Năm 2012 được coi là năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành những chỉ tiêu đề ra, góp sức không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế Quốc gia. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng – Hoàng Trung Hải đã biểu dương, chúc mừng sự cố gắng không ngừng của các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực và tích cực triển khai các hoạt động bám sát mục tiêu và giá trị mà Chương trình Thương hiệu Quốc gia hướng tới. Đó là, phát triển năng lực quản trị doanh nghiệp, phát huy sức mạnh trong thị trường nội địa, tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại và đặc biệt các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm để cùng với phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nâng cao vị thế cạnh tranh với thế giới, xứng đáng với vai trò tiên phong, đại diện cho Thương hiệu Quốc gia. Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp; coi việc phát triển thương hiệu của Việt Nam là trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, Ngành”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng cho Vietinbank.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm triển khai. Nội dung chính của Chương trình là giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam ở trong và ngoài nước; lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia để hỗ trở phát triển theo các giá trị mục tiêu: “Chất lượng – Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”.
Việc lựa chọn các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được tiến hành 2 năm 1 lần. Trong đợt xét duyệt năm 2012, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã quyết định trao giải thưởng này cho 54 doanh nghiệp hàng đầu trên hơn 2000 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Điện – Điện tử - CNTT – Viễn thông, Cơ khí, Máy móc, Thiết bị, Dệt may – Da giầy, Đồ gỗ - Gốm sứ - Thủ công mỹ nghệ, Dược phẩm – Hóa mỹ phẩm, Tài chính – Ngân hàng, Nông – Lâm – Thủy sản, Thực phẩm – Đồ uống, Xây dựng – Vật liệu xây dựng – Bất động sản ...
Danh hiệu này không những ghi nhận những cố gắng phát triển bền vững về cả doanh thu lẫn chất lượng của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mà còn khẳng định những nỗ lực về giữ vững thị trường nội địa song song với phát triển thị trường xuất khẩu.