Do KCN chuyên sâu của Hải Phòng đầu tư ở Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được hưởng ưu đãi như dự án đầu tư tại địa bàn khó khăn, nên BR-VT đề nghị KCN chuyên sâu trên địa bàn tỉnh cũng được hưởng ưu đãi tương tự như trường hợp của Hải Phòng.
Nghĩa là, các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ở BR-VT sẽ được hưởng ưu đãi như với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Được biết, trước đó, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc Hải Phòng và BR-VT sẽ xây dựng KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử để thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Không chỉ ưu đãi cho các nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, tỉnh BR - VT còn đề nghị ưu đãi cho cả các doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để thu hút công nghiệp hỗ trợ. Tức là, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư như dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Đối tượng được đề nghị hưởng ưu đãi là các dự án, không phân biệt pháp nhân mới hay đầu tư mở rộng, lập chi nhánh. Đáng chú ý nhất là, BR - VT cũng đề xuất không thành lập hội đồng thẩm định xem xét ưu đãi với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, như Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho rằng, việc công nhận các DN công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi đầu tư cần được đơn giản hoá. Có thể giao cho UBND tỉnh và Ban Quản lý các KCN công nhận DN công nghiệp hỗ trợ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, với các sản phẩm thuộc danh mục theo Quyết định 1483/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2011. Với các sản phẩm ngoài danh mục này, cần giao cho Bộ Công thương ban hành tiêu chí, phân cấp cho Ban Quản lý các KCN xem xét công nhận DN công nghiệp hỗ trợ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ngoài ra, BR-VT cũng đề nghị không thực hiện phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án công nghiệp hỗ trợ của DN nhỏ và vừa (trừ các ngành có công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường, như sơn, hàn, mạ). Nguyên do các KCN đều đã được quy hoạch và hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, trong đó có xử lý nước thải tập trung, nên các dự án công nghiệp hỗ trợ chỉ cần cam kết bảo vệ môi trường theo quy định là đủ.
Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó xác định 6 ngành công nghiệp mũi nhọn: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông - thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ôâ tô. Đây cũng được xem là cơ hội gia tăng thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, cho dù 6 ngành được lựa chọn đều là những ngành có số lượng DN khá lớn, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, nhưng hiện các DN vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh, chủ yếu vẫn chỉ làm ở dạng thô hoặc gia công, nên tỷ suất lợi nhuận chưa cao.
Ông Ichikawa, Trưởng nhóm Nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Nhật Bản nhận xét, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thách thức lớn nhất hiện nay đối với họ chính là công nghiệp hỗ trợ. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam có nhiều điểm mạnh về xuất khẩu, nhưng công nghiệp hỗ trợ lại phát triển chậm, do đó lợi nhuận thu về vẫn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Nguyên Trân (nguồn: theo Hoàng Nam, baodautu.vn)