Tỉnh Bắc Ninh định hướng giai đoạn 2021-2030 tập trung chuyển dịch sang tăng trưởng chất lượng cao, theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững và gắn kết tăng trưởng với phúc lợi cuộc sống của người dân, đảm bảo công bằng xã hội. Quan điểm phát triển của tỉnh là: Phát triển bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước, sớm trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa và có chất lượng cuộc sống cao; Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm logistics của vùng; Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt; Bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc được phát huy và trở thành động lực phát triển; Ưu tiên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu.
Các định hướng trên sẽ được Bắc Ninh cụ thể hóa qua 05 khâu đột phá phát triển và 07 nhóm ngành ưu tiên. 05 khâu đột phá phát triển gồm: tổ chức không gian kinh tế và đô thị theo quy hoạch, gia tăng hiệu quả tụ hội đô thị, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh phát triển và hoàn thiện hạ tầng; phát huy bản sắc văn hoá truyền thống; nâng cao chất lượng quản trị. 07 nhóm ngành được ưu tiên thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực phát triển gồm: (1) Sản xuất thiết bị điện tử, (2) Sản xuất công nghệ cao, (3) Du lịch, (4) Logistics, (5) Thương mại, (6) Dịch vụ công nghệ thông tin và (7) Sản xuất dược phẩm. Đây là những ngành, lĩnh vực phù hợp với lợi thế phát triển sẵn có và tiềm năng của Bắc Ninh, cũng như xu hướng phát triển trong tương lai.
Bắc Ninh coi phát triển công nghiệp là lực kéo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường sống.
Tỉnh xác định phương hướng phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn tới là chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu và tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cung ứng, đồng thời bảo đảm tạo ra việc làm thu nhập cao cho người lao động, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nhanh chóng.
Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có của tỉnh với tiềm năng phát triển cao, bao gồm những ngành có quy mô tương đối lớn, có tốc độ phát triển vượt bậc, có tác động lan tỏa và tích cực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tập trung vào các ngành công nghiệp có thế mạnh để khai thác lợi thế cạnh tranh; tạo điều kiện phù hợp cho phát triển công nghiệp, coi phát triển công nghiệp là lực kéo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường sống.
Mục tiêu đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh liện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không; sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; công nghệ cao.
Phát triển Bắc Ninh phát triển trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam. Tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế. Mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất và trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam. Ngoài ra, đa dạng hóa vào các ngành sản xuất khác mà tỉnh có thế mạnh; thực hiện hoạt động sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Tăng cường đầu tư, phát triển những sản phẩm công nghiệp có nhiều triển vọng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xác định những sản phẩm có triển vọng dựa trên các tiêu chí về dung lượng của thị trường, tính khả thi về huy động nguồn vốn và nguồn nhân lực, giá trị gia tăng trong việc tạo ra việc làm chất lượng và mức độ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Bắc Ninh.
Phấn đấu đến năm 2025, GRDP công nghiệp – xây dựng theo giá so sánh năm 2010 đạt 136.977 nghìn tỷ đồng, năm 2030 là 190.374 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong nền kinh tế ở mức 75,5% vào năm 2025 và 72,6% vào năm 2030; lao động hoạt động trong cụm ngành đạt 457,488 nghìn người vào năm 2025 và 498,956 nghìn người vào năm 2030.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh cũng nêu rõ, tỉnh sẽ tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ giá trị cao như dịch vụ đổi mới, nghiên cứu & thiết kế (R&D). Đồng thời, hướng tới phát triển trở thành một trung tâm dịch vụ số quốc tế có giá trị cao dựa trên các dịch vụ số hóa và các dịch vụ toàn cầu có thể thực hiện từ xa; là thành phố thông minh với khả năng tiếp cận và tích hợp toàn cầu, với các dịch vụ giáo dục đào tạo và chăm sóc y tế dẫn đầu.