Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất là những ngành nghề có tỉ lệ mắc BNN cao nhất.
Những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chính sách Bảo hiểm TNLĐ, BNN. TNLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, song số vụ TNLĐ vẫn còn khá cao. Chỉ trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra 119 vụ TNLĐ, với tổng số người bị tai nạn là 121 người, số người chết là 24 người và 32 người bị thương nặng. Thiệt hại về chi phí tiền thuốc thang, mai táng phí, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương hàng tỷ đồng.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, 3 BNN có số mắc cao nhất gồm: bệnh bụi phổi silic (74%), bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh da nghề nghiệp. Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất là những ngành nghề có tỉ lệ mắc BNN cao nhất. 71% vụ việc TNLĐ là do doanh nghiệp không trang bị thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn, hoặc người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn... TNLĐ xảy ra một phần do lực lượng an toàn - vệ sinh viên (AT-VSV) chưa kiên quyết đấu tranh với những vi phạm do ngại va chạm, cả nể. Một số AT-VSV cũng là công nhân trực tiếp sản xuất kiêm nhiệm nhiều việc, hạn chế về khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục…
Đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động
TNLĐ là điều không mong muốn, bởi vậy khi xảy ra sự cố trong lao động sản xuất, các đơn vị sử dụng lao động đã nhanh chóng xử lý tình huống trên cơ sở đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động, đồng thời chủ động hỗ trợ nạn nhân và gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần.
Với cường độ làm việc cao trong môi trường nhiều tiếng ồn và bụi khói, anh Cao Xuân Vũ - nhân viên Công ty Cơ khí Xây dựng Mạnh Quân phải đối mặt với nguy cơ mắc BNN khá cao. Tuy nhiên, với việc được Công ty đảm bảo các chế độ bảo hiểm theo quy định và trang bị những kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh lao động, anh Vũ cũng như hàng chục lao động khác luôn yên tâm làm việc tại doanh nghiệp.
Anh Vũ chia sẻ: “Ban lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, chăm lo đảm bảo các chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho công nhân. Đặc biệt, đối với vấn đề an toàn lao động thì Công ty tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên và trang bị đầy đủ đồng phục bảo hộ, mũ, áo, khẩu trang cho công nhân, đảm bảo môi trường làm việc an toàn”.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Công ty CP Hợp kim sắt - Gang thép Thái Nguyên cho biết, khi xẩy ra TNLĐ, Công ty thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu gia đình không có người thì Công ty bố trí người chăm sóc. Trường hợp người lao động sau khi bị TNLĐ mà sức khỏe không đảm bảo cho vị trí làm việc như trước thì Công ty điều chuyển sang vị trí làm việc khác phù hợp.
Nói về chính sách bảo hiểm nhân văn này, bà Lưu Hồng Yến - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Long Yến thông tin: Công ty có gần 70 nhân viên, người lao động đang làm việc ở các bộ phận sản xuất. 100% người lao động của Công ty đều tham gia đầy đủ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tham gia đóng 1% Quỹ BHTNLĐ-BNN theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Đối với những lao động bị tai nạn, doanh nghiệp làm hồ sơ đề nghị BHXH giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.
“Tham gia Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN giúp người bị TNLĐ bớt được phần nào gánh nặng trong cuộc sống. Hơn nữa, Quỹ quy định rõ ràng các chế độ, quyền lợi được hưởng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khi không may có lao động bị TNLĐ, mắc BNN" - bà Yến cho hay.
Ngăn chặn TNLĐ-BNN
TNLĐ - BNN vẫn được xem là một trong những nguy cơ lớn, không chỉ cướp đi tính mạng và đe dọa sức khỏe của người lao động, tình trạng này còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Theo tính toán, mỗi năm, tổng các chi phí của các khoản bồi thường, số ngày làm việc bị mất, gián đoạn sản xuất, đào tạo và đào tạo lại, chi phí y tế... do TNLĐ - BNN trên toàn cầu ước khoảng 3.000 tỷ USD (tương đương 4% GDP toàn cầu).
Tại Việt Nam, số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2021 bao gồm: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là trên 3.954 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 116.377 ngày (.
Để bảo đảm môi trường lao động an toàn, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần ý thức rõ, việc chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn TNLĐ và BNN... chính là góp phần vào sự phát triển bền vững của tổ chức, doanh nghiệp nói riêng, của đất nước nói chung. Trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể trong xây dựng và thực hiện các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức lao động hợp lý và từng bước cải thiện điều kiện lao động. Cùng với đó, các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm quy định về tham gia bảo hiểm TNLĐ - BNN để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện nay Sở đang tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Sở đã cử các tổ công tác đến các cơ sở, doanh nghiệp làm việc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động cũng như phòng ngừa các yếu tố rủi ro liên quan đến TNLĐ và BNN, phát hiện sớm để đảm bảo chế độ cho người lao động kịp thời nhất.