Bảo hiểm TNLĐ có thể hiểu cụ thể là chính sách an sinh xã hội, có tính chất thiết thực và hữu ích, dùng để bù đắp cho những rủi ro, tổn thất bằng vật chất, để NLĐ cảm thấy yên lòng và không bị thiệt thòi. Bảo hiểm có tính năng chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp, giúp đỡ cho các hoạt động phòng ngừa TNLĐ.
Nhiều nguyên nhân gây ra TNLĐ
Những năm gần đây, TNLĐ đang có chiều hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, năm 2020, ở khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 591 vụ TNLĐ làm 627 người bị nạn. Chi phí thiệt hại do TNLĐ là 26,328 tỷ đồng, trong đó: Chi phí y tế là 3,452 tỷ đồng, trả lương trong thời gian điều trị là 9,211 tỷ đồng, bồi thường, trợ cấp cho thân nhân, người bị nạn là 13,305 tỷ đồng, thiệt hại tài sản là 360 triệu đồng.
Qua điều tra các vụ việc của cơ quan chức năng cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Cụ thể, do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức của NLĐ về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong quá trình thực hiện công việc còn hạn chế; thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội... Về phía người sử dụng lao động (SDLĐ) thì bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công cho NLĐ còn hạn chế.
Đặc biệt, vi phạm an toàn lao động ở các công trình xây dựng dân dụng rất phổ biến, như: Thợ xây ở các công trình này không có quần áo, mũ bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ... Nhiều nhà đã lên đến tầng 3, tầng 4, nhưng tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn. Xung quanh khu vực xây dựng không được rào ngăn. Ở các công trình này cũng không có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3m) xuống. Trong khi đó, hầu hết các tốp thợ ở những công trình này đều không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)...
An toàn lao động là bảo vệ chính bản thân công nhân. (ảnh minh họa)
“Phao cứu sinh” cho NLĐ
Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Luật BHXH và Luật ATVSLĐ là một tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ TNLĐ, BNN phù hợp với đối tượng đóng BHXH cho cả đối tượng NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu... Đây là một ưu điểm vượt trội.
Với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành BHXH gần đây nên hồ sơ, thủ tục giải quyết các chế độ TNLĐ, BNN ngày càng được đơn giản hóa. Đơn cử, trước kia khi giải quyết chế độ TNLĐ, BNN lần đầu phải có sổ BHXH; các giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú; biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự, quân đội... thì nay đã bãi bỏ các thủ tục nêu trên.
Hàng năm, BHXH các địa phương đã giải quyết và chi trả chế độ TNLĐ, BNN cho hàng nghìn NLĐ, bao gồm trợ cấp TNLĐ một lần, trợ cấp TNLĐ hằng tháng, trợ cấp BNN hằng tháng và trợ cấp tử vong do TNLĐ, BNN.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, sinh năm 1987, ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà trên đường đi làm về không may bị tai nạn giao thông, hậu quả khiến anh bị gãy xương đòn và chấn thương phần mềm phải nghỉ việc 2 tháng để điều trị. Anh Quang tham gia BHXH nên đã nhận được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với số tiền chi trả trên 20 triệu đồng. Sự hỗ trợ kịp thời từ quỹ đã giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục làm việc.
Hay như chị Nguyễn Ánh Hồng, sinh năm 1980 ở thị trấn Đầm Hà bị tai nạn trên đường từ nhà đi làm. Hậu quả sau tai nạn khiến chị bị đa chấn thương. Vì đã tham gia BHXH nên chị Hồng được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với số tiền hỗ trợ hơn 10 triệu đồng
Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp NLĐ bị TNLĐ và nhận được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong thời gian qua.
Tại điều 2, Luật ATVSLĐ quy định rất rõ đối tượng áp dụng bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc. Vì vậy, việc tham gia BHXH nói chung và bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng là sự cần thiết cho NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều NLĐ và cả người SDLĐ bỏ qua chiếc “phao cứu cánh” quan trọng này, thờ ơ trước những rủi ro đang rình rập bất cứ lúc nào.
Để hạn chế TNLĐ, BNN, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, chủ SDLĐ về việc chấp hành nghiêm quy định đóng bảo hiểm cho NLĐ thì hơn hết cần phải nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ.
Nhằm triển khai sâu rộng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN trong các đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao ý thức người SDLĐ trong việc chấp hành đầy đủ quy định, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành và các đơn vị, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về BHXH thì các doanh nghiệp nhất thiết phải chú trọng công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất xảy ra TNLĐ; bản thân NLĐ cũng cần phải chủ động theo dõi, bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tham gia BHXH, BHYT đầy đủ, để hạn chế những rủi ro xảy ra.