Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo, những năm qua NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đầu tư cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Tăng cường hiệu quả đầu tư vốn tín dụng chính sách, tạo ý thức tiết kiệm, phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống của người nghèo. Huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, qua đó góp phần hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh qua 15 năm hoạt động đạt 4.950,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ vay được 11,6 triệu đồng, tăng 9,6 triệu đồng so với mức vay bình quân năm 2002. Nhờ nguồn vốn được tập trung khai thác với tốc độ tăng trưởng khá cao, 15 năm qua đã có 425,3 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 48,3 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 40,2 nghìn lao động, giúp hơn 53,4 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 182,5 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 4.000 căn nhà cho hộ nghèo và gần 1.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan trong việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các Sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hoạt động của chi nhánh ngày càng hiệu quả. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị trong thời gian tới Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm đến công tác tín dụng chính sách cũng như hoạt động NHCSXH, ưu tiên một phần ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay nhằm giải quyết hiệu quả về việc làm cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội giai đoạn hiện nay.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Thuận rất chú trọng đến công tác an sinh xã hội, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo cuộc sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù còn là tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn chế; tuy nhiên hằng năm tỉnh Bình Thuận cũng sẽ có những giải pháp phù hợp để bố trí ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho vay các chương trình tín dụng chính sách trọng điểm, giúp người nghèo tại các địa phương có được cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững; đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động tín dụng chính sách đạt hiệu quả.
Trước đó, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cùng các thành viên trong Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận, Phòng giao dịch huyện Lagi, thăm và kiểm tra hoạt động Điểm giao dịch tại xã.
Thay mặt Ban lãnh đạo chi nhánh, Giám đốc Phạm Anh Đức đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của đơn vị tới Đoàn công tác. Tính đến nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh đang quản lý là 2.192; tổng dư nợ đạt 2.185 tỷ đồng. Dư nợ tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, Tổng Giám đốc yêu cầu chi nhánh tỉnh Bình Thuận thường xuyên báo cáo, tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tranh thủ sự quan tâm về mọi mặt, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn vốn địa phương. Bên cạnh đó phải chủ động phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác rà soát đối tượng vay vốn để bố trí nguồn vốn kịp thời, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tổng Giám đốc cho biết, hoạt động NHCSXH năm 2017 chủ yếu hướng về cơ sở và lấy hoạt động Điểm giao dịch xã là “hạt nhân”, vì vậy những tháng còn lại chi nhánh cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm nâng cao hiệu quả, chấp hành các thủ tục quy trình nghiệp vụ, chất lượng hoạt động giao tại Điểm giao dịch xã; tập trung huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
(Nguồn: Theo CTV, http://vbsp.org.vn/)