Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Phóng viên: Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục nói chung và công tác giáo dục đào tạo ngành Công Thương nói riêng đứng trước các cơ hội và thách thức lớn từ dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của đào tạo của Bộ Công Thương đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn và hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đồng chí Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của ngành Công Thương trong năm học vừa qua?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân:
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường làm cho toàn bộ chương trình đào tạo bị xáo trộn phải xây dựng, thiết kế lại. Chất lượng đào tạo giảm sút do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện theo kế hoạch. Nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động chuyên môn bị hoãn, hủy thực hiện...
Nhận thức được những khó khăn đó, với sự nỗ lực, quyết tâm, các cơ sở giáo dục đào tạo Bộ Công Thương đã chủ động trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thay đổi phương pháp giảng dạy để thích nghi với tình trạng giãn cách xã hội bằng nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các trường đã nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa đảm bảo chương trình đào tạo, tuyển sinh đạt gần 92% kế hoạch đề ra.
Hầu hết các trường mở nhiều ngành mới, được coi là những mũi nhọn trong thời đại công nghệ 4.0, như: Robot và hệ thống điều khiển thông minh, quản lý đô thị thông minh và bền vững; kỹ thuật hóa phân tích; kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng,… để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân (đứng giữa), chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Trong năm học 2020-2021, tổng số chương trình dạy online, kết hợp cả dạy online và trực tiếp chiếm 72,5% tổng số chương trình. Tổng số giáo trình được biên soạn mới, mua mới và chỉnh sửa tăng gấp 05 lần so với năm học 2019-2020. Việc tăng tỷ lệ chương trình, giáo trình online, kết hợp cả online và trực tiếp thể hiện việc các trường đã linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi hình thức giảng dạy, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, các trường đã đầu tư mua mới 414 giáo trình của nước ngoài và đang thúc đẩy công tác kiểm định trường, kiểm định chương trình, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định trong và ngoài nước.
Về nghiên cứu khoa học, tổng sản phẩm nghiên cứu - ứng dụng đã được giảng viên, sinh viên các trường thực hiện trong năm học 2020-2021 là 44.067 sản phẩm, với số lượng các bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài, công bố quốc tế thuộc danh mục SCI, SCIE và Scopus… tăng 14,3% so với năm trước, đã từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các Trường trực thuộc Bộ trong hệ thống các cơ sở đào tạo.
100% các trường trực thuộc Bộ Công Thương có báo cáo về hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong những năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới hơn 5.000 đơn vị trên cả nước, nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng đầu ra sinh viên gắn với thực tế việc làm. Các trường cũng chủ động tiếp cận với công nghệ 4.0 như Big data, hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, góp phần nâng cao năng suất chất lượng lao động. Nổi bật là các trường Đại học: Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Công nghiệp Hà Nội, Công nghiệp Thực phẩm, Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Điện lực, Công nghiệp Việt Trì và Sao Đỏ.
Phóng viên: Những điểm sáng trong bức tranh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành Công Thương trong năm học vừa qua được thể hiện rõ nhất ở những mặt nào, thưa đồng chí Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân:
Quy mô đào tạo các năm gần đây tương đối ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, mở mới kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; bước đầu hình thành các ngành thế mạnh, đặc thù tại một số trường để khẳng định thương hiệu.
Hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều kết quả vượt trội với hơn 44 nghìn sản phẩm do giáo viên, sinh viên thực hiện.
Các trường đã chú trọng và đầu tư nghiêm túc, bài bản, có lộ trình cho việc kiểm định trường, kiểm định chương trình theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó thể hiện bước đi đúng đắn của các trường khi tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực không biên giới, đa văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo, tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhiều khâu của quá trình đào tạo để các sinh viên đáp ứng yêu cầu của công việc ngay sau khi ra trường,…Đó là những điểm sáng trong bức tranh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành Công Thương, là công sức, nỗ lực của các thầy cô trong một năm dịch bệnh diễn biến bất ngờ vừa qua.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương còn những tồn tại, hạn chế nào cần khắc phục trong thời gian tới, thưa đồng chí Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân:
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,… Tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó cho các trường khu vực phía Bắc khi nhiều ngành nghề của các trường trên cùng một địa bàn trùng lắp, chất lượng đào tạo đại trà, chưa tạo được điểm nhấn, sức cạnh tranh. Ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, sinh viên thiếu kỹ năng, yếu về thái độ và kỷ luật lao động. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã được chú trọng nhưng chưa có những sản phẩm nghiên cứu mang tính đột phá, có giá trị ứng dụng cao trong ngành Công Thương. Mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo là nguyên nhân nguồn lực lao động qua đào tạo của nước ta nói chung và ngành Công Thương nói riêng vừa thiếu lại vừa thừa, hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo còn cao.
Đặc biệt, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu nhân lực, sàn giao dịch tuyển dụng và đào tạo, kênh thông tin kết nối 3 chiều: doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên để minh bạch, thông suốt thông tin đa chiều, mang lại chuyển biến tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công Thương nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Phóng viên: Để góp phần hỗ trợ, định hướng các trường chủ động ứng phó với thách thức, khó khăn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, CMCN 4.0, biến thách thức thành cơ hội, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, xin đồng chí Thứ trưởng cho biết phương hướng hoạt động của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương trong năm học 2021-2022?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân:
Với chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, phát triển kinh tế nhanh và tăng trưởng bền vững theo chiều sâu nên việc tập trung phục hồi và phát triển các ngành có công nghệ mới, có năng suất lao động cao sẽ dẫn tới nhu cầu mạnh mẽ đối với những lao động đã được đào tạo có tay nghề thành thục, có kỹ năng, có kỷ luật lao động. Điều này đặt ra yêu cầu lớn về nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, xu thế của CMCN 4.0 với những ứng dụng công nghệ thông tin, robot, tự động hóa… sẽ tác động trực tiếp đến các ngành nghề sử dụng lao động giản đơn, dẫn tới nguy cơ các lao động này bị thay thế bởi các lao động có tay nghề. Nếu không kịp thời thích ứng và đầu tư thỏa đáng cho phát triển kỹ năng thì sẽ không nắm bắt được cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại. Mặt khác, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ xóa mờ ranh giới giữa các thị trường lao động, nếu không có kỹ năng nghề và tri thức, người lao động sẽ mất việc làm.
Vì vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến đáp ứng những chuẩn mực quốc tế cao hơn, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành mũi nhọn, then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá. Xác định khoa học công nghệ nòng cốt để đổi mới, xây dựng cơ chế tự chủ toàn diện, có kế hoạch kiểm định đánh giá ngoài để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo của ngành Công Thương.
Năm học 2021-2022, dịch bệnh Covid-19 dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường. Các trường cần tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các cơ sở giáo dục đại học: tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị Đại học, hướng tới quản trị Đại học 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật - công nghệ, đảm bảo yêu cầu CMCN 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.
Phóng viên: Đồng chí Thứ trưởng gợi ý một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho các cơ sở đào tạo ngành Công Thương để thực hiện hiệu quả định hướng này trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu kép?
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân:
Các trường cần chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, như: Tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 song song với đảm bảo hoạt động đào tạo với các biện pháp chủ động, tích cực hơn; đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình, các trường chưa tự chủ 100% chủ động rà soát và lên kế hoạch, lộ trình hướng tới tự chủ toàn diện; sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo và tổ chức nhà trường, gắn với tái cơ cấu, tái cấu trúc hoạt động; cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bằng nhiều biện pháp; xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như: đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao năng lực quản lý đào tạo, đổi mới chương trình giáo trình, kiểm định chất lượng, hình thành kênh thông tin 3 chiều giữa người đào tạo - người học - người tuyển dụng, gắn kết doanh nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu trong mọi hoạt động.
Đặc biệt, trong thời gian tới, các trường cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó xây dựng Chiến lược Khoa học công nghệ phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế; đầu tư kiểm định chương trình bởi các tổ chức quốc tế có uy tín; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu sinh viên, giảng viên thành các mô hình, dự án khởi nghiệp có giá trị cao cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội…
Mỗi đồng chí lãnh đạo các trường tự đổi mới tư duy, hình thành tổ chức của mình có văn hóa, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tiến tới hợp tác thành công với đối tác trong và ngoài nước để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành Công Thương trong thời gian kế tiếp.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí Thứ trưởng!