Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Sơn Minh Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; đồng chí Dương Quyết Thắng - Bí thư Đảng uỷ NHCSXH Trung ương, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc.
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; 4 tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong khu vực; 4 tổ chức hội, đoàn thể địa phương cùng đại diện các chi nhánh NHCSXH và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu trong khu vực.
Những tín hiệu tích cực
Từ một khu vực nguồn vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm, nợ quá hạn liên tục tăng cao, chiếm tới 4,11% tổng dư nợ, gấp gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống; lãi tồn đọng chiếm 1/3 lãi tồn đọng của NHCSXH trong cả nước; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; nhiều người dân chưa ý thức được nguyên tắc tín dụng “có vay - có trả” vào năm 2012, đến nay sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ đã tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL.
Là đơn vị thường trực trong thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng xã hội tại khu vực, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2.062 nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng (+64,5%) so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%.
Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224,5 tỷ đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm hơn 410 tỷ đồng (giảm 3,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn.
Công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng được chú trọng thực hiện. Giai đoạn 2012 - 2016 doanh số cho vay đạt 33.393 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 22.225 tỷ đồng (bằng 66,5% doanh số cho vay, tăng 17,5% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án).
Tổ tiết kiệm và vay vốn được rà soát, củng cố, kiện toàn và hoạt động dần đi vào nề nếp. Đến 31/12/2016, toàn vùng có 39.593 Tổ tiết kiệm và vay vốn, giảm 2.259 tổ so thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án. Trong đó có 29.135 Tổ xếp loại tốt (chiếm 73,5%), tăng 13.208 tổ so thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án; tổ yếu kém còn 1.186 tổ (chiếm 3%), giảm 798 tổ.
Theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng: Kết quả giảm nghèo của khu vực Tây Nam Bộ trong những năm qua có đóng góp quan trọng của hệ thống NHCSXH, đáp ứng nguồn vốn rất lớn cho một khu vực còn nhiều khó khăn như Tây Nam Bộ. Tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc trong khu vực, giúp một bộ phận đồng bào DTTS chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng.
Trong giai đoạn 2012 - 2016, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 2.350 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển SXKD. Qua đó, góp phần giúp gần 386 nghìn hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147 nghìn lao động, trong đó, trên 2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 184 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.089 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có trên 20 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL,…
Trong giai đoạn này, tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực Tây Nam Bộ từ 10%xuống còn 8,46% (2016) theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Thành công từ sự đồng thuận
Cùng với sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách, việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của NHCSXH. Các địa phương trong khu vực đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 453 tỷ đồng (tăng 93,8% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 936,5 tỷ đồng.
Ví như Đồng Tháp là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 43.588 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,98%; hộ cận nghèo 22.176, chiếm tỷ lệ 5,08%, có 8 xã khó khăn thuộc khu vực giáp biên giới Campuchia. Hiện tại cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế - xã hội của Đồng Tháp còn thấp so với bình quân của toàn quốc, tỉnh chưa cân đối được ngân sách mà hàng năm vẫn phải xin trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết: “Các cấp ủy, chính quyền tại tỉnh Đồng Tháp đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên, trong đó chú trọng thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, UBND tỉnh và một số huyện ủy quan tấm, bố trí gần 184 tỷ đồng để ủy thác sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn”.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre Phạm Thị Thanh Thảo - đơn vị nhận ủy thác có dư nợ cao nhất và có chất lượng dư nợ tốt nhất toàn tỉnh đánh giá: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp rất nhiều hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo trong tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống và thoát nghèo. Thông qua thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc giúp người nghèo và các đối tượng chính sách và hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo trên cơ sở phát huy nội lực có sự hỗ trợ của Nhà nước, coi trọng tính hiệu quả, bền vững; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ và xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Một trong những kinh nghiệm thành công trong quá trình nâng cao chất lượng tín dụng được chia sẻ tại Hội nghị đó chính là phát huy vai trò của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện Đề án. Theo kinh nghiệm của Phó Bí thư huyện uỷ, nguyên Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Long Hồ (Vĩnh Long) Bùi Minh Quận: Trong quá trình thực hiện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện cần chú trọng củng cố kiện toàn thành viên; phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi thành viên gắn với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao; nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND cấp xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tiếp nhận đề xuất, kiến nghị của địa phương để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời vướng mắc khó khăn tại cơ sở.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Kim Thị Thu Hà đến từ ấp Bến Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết, khi bắt đầu thực hiện Đề án, từ một Tổ tiết kiệm và vay vốn có nợ quá hạn là 4,3% trên tổng dư nợ đến nay tổ không có nợ quá hạn. Đồng vốn tín dụng ưu đãi được người vay sử dụng đúng mục đích, đạt kết quả cao. Đã có 28 hộ nghèo vay vốn qua các năm làm ăn có hiệu quả vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ nghèo thiếu vốn SXKD, nhờ đồng vốn của NHCSXH nay đã phát triển kinh tế gia đình đi vào ổn định, có tiền sửa sang nhà cửa, cho con ăn học,…
Hướng tới chất lượng tín dụng đồng đều và bền vững
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, đồng chí Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế mang tính chủ quan trong công tác thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực như: Chất lượng tín dụng chưa đồng đều, tính ổn định chưa cao, chưa bền vững; nguồn vốn tín dụng còn hạn chế, mức vay vốn bình quân hộ vay còn thấp; sự phối hợp thực hiện giữa cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể và NHCSXH ở một số địa phương vẫn còn chưa tốt; sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng đối với người vay về công tác khuyến nông, khuyến ngư, công tác định hướng thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức…
Trước thực trạng này, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu 3 - 5 năm tới phủ sóng 100% đối tượng thuộc diện thụ hưởng; đồng thời đẩy lùi, hạn chế và xóa bỏ tín dụng phi chính thức ở nông thôn, nhất là tín dụng đen, từ đó góp phần quan trọng bảo đảm anh ninh tiền tệ, an ninh nông thôn và củng cố chính quyền cơ sở.
Với vai trò là cơ quan quản lý của Nhà nước về tiền tệ ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN phối hợp cùng với các cơ quan hữu trách tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện hơn cho NHCSXH hoạt động an toàn hiệu quả, đồng thời tiếp tục tích cực tìm kiếm các nguồn vốn cho NHCSXH từ các tổ chức Quốc tế để NHCSXH có thêm nguồn vốn hoạt động.
“NHNN chỉ đạo NHCSXH lựa chọn triển khai có trọng tâm, trọng điểm các chương trình tín dụng chính sách có nhiều đối tượng thụ hưởng trong vùng, tránh triển khai dàn trải kém hiệu quả. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng”, Phó Thống đốc nói.
Riêng với NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, toàn hệ thống sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp vùng Tây Nam Bộ đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển bền vững NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020.
Giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH phấn đấu đến năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nam Bộ đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ đồng (+46%) so với thực hiện năm 2016, tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm; Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức mức dưới 1%/tổng dư nợ, hàng năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng; trên 70% số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, không có tổ hoạt động yếu kém; Tăng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tối thiểu đạt 10% mỗi năm…
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nguyên nhân để đạt được sự thành công trong thời gian qua là sự thống nhất ý chí với nhau, phối hợp của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể. Mức độ thành công phụ thuộc vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp với các cấp chính quyền bởi ở đâu hệ thống chính trị vào cuộc thì ở đó thành công”.
Theo đó, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương mình tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm, 13 tỉnh, thành trong khu vực có trách nhiệm dành một tỷ lệ nhất định từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để ủy thác nguồn vốn cho vay giảm nghèo tại địa phương mình.
“Mong 5 năm sau, hay sau 2 năm nữa là 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 sẽ có nhiều chỉ tiêu đột phá, tốt hơn góp phần xây dựng nôn thông mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu khu vực nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế nước ta”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương giao vốn trong kế hoạch, nghiên cứu hình thức tái cấp vốn ngắn hạn, tạo ra nguồn vốn khả dụng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng chính ngang với tín dụng thương mại, ít nhất là 12% - 15%; NHCSXH cần tăng cường huy động vốn trong dân thông qua các chương trình tiết kiệm; đồng thời cùng với địa phương tiếp tục đề xuất để hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động cho vay đối tượng chính sách, sao cho thủ tục đơn giản, điều kiện cho vay rõ ràng minh bạch, tập trung trọng tâm trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, nâng mức cho vay lên tập trung cho vay vào những người có tính dẫn dắt, tạo ra công ăn việc làm cho người khác.
Cuối cùng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lưu ý trong công tác thông tin truyền thông, phải nhận thức tín dụng chính sách là công cụ của Đảng và Nhà nước, không tách rời chính sách tài khóa và tiền tệ. Chỉ đối tượng nghèo, đối tượng chính sách được thụ hưởng, Nhà nước ưu đãi lãi suất, lấy ngân sách ra cấp bù. Nên hoạt động của NHCSXH là hoạt động tín dụng nhưng là công cụ của Chính phủ. Hoạt động NHCSXH không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, gắn bó chặt chẽ với chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố Quyết định khen thưởng của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Thống đốc NHNN và NHCSXH cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ.
16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án được nhận Bằng khen của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
03 tập thể thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vinh dự được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN vì đã có thành tích đóng góp thực hiện Chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nam Bộ
Tổng Giám đốc NHCSXH chúc mừng, tặng Giấy khen cho đại diện các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng khu vực Tây Nam Bộ