Tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 29/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp rà soát, hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giai đoạn 2011- 2015, tỉnh Quảng Ngãi có tốc độ tăng trưởng cao khoảng 8,4%. Trong đó động lực tăng trưởng của tỉnh là khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy thép Hoà Phát. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của tỉnh đang có xu hướng chậm lại trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, dù tăng trưởng, thu ngân sách cao trong một giai đoạn dài song thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ đô thị hoá chỉ đạt 24%.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược gồm: Phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển-đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông Tây.
Quảng Ngãi xác định mục tiêu, đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp chủ lực: sản xuất điện (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghiệp chế biến sâu nông lâm thuỷ sản, chế tạo cơ khí.
Quảng Ngãi tiếp tục khai thác những thế mạnh sẵn có về công nghiệp nặng.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá. Tỉnh định hướng, giải pháp phát triển các ngành Công nghiệp quan trọng, gồm: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và thân thiện hơn với môi trường như: công nghiệp chế biến sâu nông, lâm và thuỷ sản; công nghiệp cơ khí công nghệ cao, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện gió, điện khí v.v. Gia tăng sự bổ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành thép và hoá dầu.
Tiếp tục khai thác những thế mạnh sẵn có về công nghiệp nặng và mở rộng theo chiều sâu, phát triển theo chuỗi giá trị. Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh các phụ phẩm và phế thải công nghiệp như tro, xỉ,… Chú trọng huy động đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối và hệ thống xử lý chất thải. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường. Liên kết vùng với KKT mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam để hình thành một vùng kinh tế công nghiệp động lực của miền Trung.
Riêng với ngành luyện kim thép và chế tạo cơ khí: Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tập trung hỗ trợ Tập đoàn Hoà Phát đầu tư và hoàn thành Dự án Hoà Phát - Dung Quất 2; xem xét, đánh giá, cân nhắc tác động của Dự án Hoà Phát - Dung Quất 3 để cấp phép nếu thấy phù hợp và khả thi. Khuyến khích các dự án sau thép, sản xuất các sản phẩm tinh, với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao để hình thành chuỗi giá trị sau thép như: tôn mạ vàng, mạ kẽm; vỏ container; chế biến cán nguội tôn cuộn; thép chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghiệp sản xuất ô tô, sản xuất cánh quạt gió, sợi thép…; tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các công ty như Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam và Công ty TNHH Hệ thống điện GE Việt Nam đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm mới và liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra chuỗi cung ứng thiết bị công nghiệp nặng.