Tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” - Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), điều đầu tiên doanh nghiệp muốn kiến nghị là sự "đột phá", mong muốn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với tinh thần đột phá. Khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn và phải chịu lãi suất cao. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp sẽ rất khó để hoạt động và phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
Ông Hoà cho rằng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, hiện các doanh nghiệp đang sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản giảm thì nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp rất mong TP. Hồ Chí Minh nối lại chương trình “Cho vay kích cầu đầu tư” để hỗ trợ vốn cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường... Đây là chương trình hỗ trợ vốn rất tốt cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, nhưng bị dừng từ năm 2021 đến nay.
Đặc biệt, ông Hoà nhấn mạnh vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn đa quốc gia. Để thu hút nguồn vốn này, các khu công nghiệp phải đạt chuẩn sinh thái, đạt chuẩn xanh, bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa mong muốn các ngân hàng giảm lãi vay, hỗ trợ DN. Ảnh: VGP/Lê Anh
PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, từ nửa cuối năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc “khô cạn” nguồn vốn tín dụng, cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định.
Hệ thống khuyến khích cho doanh nghiệp nội địa phát triển phải thay đổi, làm sao đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn; rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp; …
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt. Điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục. Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.