Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương có chỉ số IIP 5 tháng 2023 giảm nhiều, đứng thứ 4 cả nước, với mức giảm 19%. Điều này hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm 2022, Bắc Ninh là 1 trong 10 địa phương có tốc độ tăng IIP nhanh nhất.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Bắc Ninh, IIP của tỉnh tháng 5/2023 so với tháng trước tăng 2,62%. Sự tăng trưởng này là do 19/24 ngành cấp 2 của tỉnh đều có mức sản xuất tăng, một số ngành tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+13,09%); trang phục (+7,79%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (+7,33%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (+16,71%); thiết bị điện (+15,4%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+1,38%)...
5 tháng 2023, IIP Bắc Ninh giảm tới 19,02% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 5/2022 thì IIP chung toàn ngành công nghiệp của Bắc Ninh giảm khá nhiều (-13,49%). Nguyên nhân là do 14/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm so với tháng cùng kỳ, một số ngành giảm nhiều như: Sản xuất trang phục (-29,19%); giấy và sản phẩm từ giấy (-8,59%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (-30,43%); sản xuất thiết bị điện (-29,84%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (-29,24%); đặc biệt ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh giảm tới 14,11% đã tác động đến IIP chung toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp của tỉnh giảm tới 19,02% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 19,15%.
Trong báo cáo kinh tế 4 tháng đầu năm, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đây là những khó khăn hiện nay đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là sản phẩm thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Toàn ngành công nghiệp của tỉnh sụt giảm nhiều còn do các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do lạm phát, lãi suất tăng cao, sức tiêu dùng giảm; chỉ số tồn kho khá lớn đối với mặt hàng điện tử và may mặc.