Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quý III/2021 vừa qua, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - đơn vị thường trực Ban chỉ đạo đã báo cáo về: Tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID-BHXH số; tình hình triển khai Quyết định số 455/QĐ-BHXH ngày 21/5/2021 của BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm; về trang thiết bị CNTT toàn Ngành; về việc bổ sung nội dung Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa Kiểm toán Nhà nước và BHXH Việt Nam.
Trong quý III/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã thành lập, kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam tiếp tục tích hợp các tiện ích, dịch vụ công phục vụ thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị trong toàn Ngành đã bám sát các nhiệm vụ trong Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 455/QĐ-BHXH ngày 21/5/2021 của BHXH Việt Nam về việc triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị.
Các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua. Thảo luận về những khó khăn, thách thức trong thực hiện công tác chuyển đổi số ngành BHXH, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. Cụ thể là, khẩn trương hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam, theo hướng phân công rõ người, rõ việc của từng cá nhân, đơn vị, bộ phận theo chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường chia sẻ, phối hợp cả trong nội bộ Ngành và với các bộ, ngành liên quan; khẩn trương thực hiện, hoàn thiện Đề án về chuyển đổi số để đánh giá tổng thể vị trí hiện tại của Ngành đã đạt được, từ đó xây dựng lộ trình, mục tiêu cần thực hiện; nhanh chóng đánh giá tiến độ, kết quả đã đạt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong việc xây dựng Cơ sở Quốc gia về Bảo hiểm để từ đó báo cáo, đề xuất với Chính phủ những phương án, giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Về hiện trạng CNTT của Ngành cần đánh giá sâu hơn về chất lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của các phần mềm, thiết bị, phân loại thứ tự ưu tiên...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng Ban chỉ đạo, đánh giá cao những kết quả đạt được về công tác chuyển đổi số của ngành BHXH thời gian qua. Những kết quả đó đã được người dân, các cấp, các ngành, Chính phủ và Quốc hội đánh giá cao. Đặc biệt, trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá tích cực về công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, góp phần tích cực vào thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Những kết quả đạt được đó là nền tảng vững chắc để ngành BHXH Việt Nam vững tin tiếp tục có bước tiến lớn hơn trong tương lai về chuyển đổi số. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức hiện nay đối với công tác chuyển đổi số của ngành là không nhỏ. Vì vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố phải tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu về chuyển đổi số, không ngừng phổ biến, quán triệt về nội dung của chuyển đổi số đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để từng bước thay đổi tư duy, nhận thức từ đó thay đổi về hành động, cách làm, cải tiến, nhanh gọn, thuận lợi hơn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Chuyển đổi số là lĩnh vực mới, rộng lớn, phức tạp, Trung tâm CNTT cần phải hệ thống, làm rõ khái niệm này với ngành BHXH Việt Nam để thống nhất nhận thức, hỗ trợ công tác truyền thông. Từng đơn vị cần phải rà soát, đánh giá các quy trình, nghiệp vụ để sẵn sàng, đẩy mạnh theo hướng chuyển đổi số; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để hỗ trợ cùng nhau đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là xu hướng, đòi hỏi từ thực tiễn, cần phải làm ngay. Ngành BHXH Việt Nam với nền tảng ứng dụng CNTT từ sớm có một số thuận lợi nhưng thách thức là không nhỏ với số người phục vụ rất lớn, quy trình nghiệp vụ phức tạp. Do đó, trong chuyển đổi số, Ngành cần xác định được những vấn đề trụ cột, cốt lõi để tập trung thực hiện trước.