Ngày 23/7, Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ khởi động dự án “Tự tin lập nghiệp” với sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTB&XH Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn.
Về phía đối tác có Giám đốc Quốc gia – Tổ chức PLAN quốc tế tại Việt Nam Sharon Kane; Giám đốc Quản lý tác động chương trình và đối tác Lê Quỳnh Lan; Giám đốc Quốc gia Google Khu vực Thái Bình Dương Trâm Nguyễn.
Đất nước ta đã và đang phải trải qua rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Khoảng 31 triệu người lao động bị ảnh hưởng, 900.000 người mất việc làm và 18 triệu người chỉ được trả một phần lương. 44,1% lao động nữ và 30,4% lao động nam làm việc trong các lĩnh vực có rủi ro cao (khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ ăn uống, sản xuất, bán buôn và bán lẻ, bất động sản, logistics và giải trí). Không chỉ vậy, đại dịch Covid-19 đã tạo ra khoảng cách lớn về kỹ năng mềm đối với nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
“Phát triển kỹ năng là chìa khóa để tăng cường khả năng thích nghi của thanh niên khi đối mặt với những thay đổi nhanh chóng trong triển vọng về việc làm và lập nghiệp ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng Covid-19” – Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường khẳng định tại lễ khởi động dự án “Tự tin lập nghiệp”.
Bà Phạm Thị Hường cũng chia sẻ, từ thực tế này và tiếp nối dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn”, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội và Tổ chức Plan Việt Nam tiếp tục phối hợp triển khai Dự án “Tự tin lập nghiệp” do Google Hoa Kỳ tài trợ từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022.
Dự án “Tự tin lập nghiệp” cung cấp các khoá đào tạo nghề ngắn hạn và kỹ năng mềm có định hướng thị trường nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam, do đại dịch Covid-19 và chuyển dịch lao động việc làm theo nhu cầu của thị trường hiện nay.
Mục tiêu dự án hướng tới là giúp cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: Thanh niên từ 18 - 29 tuổi, ưu tiên nhóm đối tượng nữ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Các nhóm dễ bị tổn thương như bà mẹ đơn thân, hộ nghèo, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người di cư, nạn nhân của mua bán người, người nhiễm HIV hoặc có thành viên trong gia đình bị nhiễm HIV; người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid -19 và muốn thay đổi ngành nghề lao động đều được tham gia vào dự án “Tự tin lập nghiệp” để có cơ hội được đào tạo nghề và các kỹ năng cần thiết, đồng thời có công việc tốt, an toàn và ổn định.
“Dự án “Tự tin lập nghiệp” hướng tới có 1.120 thanh niên (40% là nữ) được đào tạo các nghề mới, trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết và được hỗ trợ tìm việc làm phù hợp với nhu cầu thời kỳ hậu Covid-19; có 4.800 thanh niên được tham gia các khóa học về kỹ năng mềm, công nghệ thông tin và kết nối việc làm; có 30 doanh nghiệp cam kết tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp...” – Hiệu trưởng Phạm Thị Hường cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá rất cao sự hợp tác của trường CĐN Công nghiệp Hà Nội và Tổ chức Plan Việt Nam. Bởi dự án “Tự tin lập nghiệp” hết sức thiết thực trong giai đoạn hiện nay, khi bối cảnh người học đã thay đổi rất nhanh, bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch bệnh, biến đổi khó lường khác. “Chúng tôi xác định, phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, hiện đại, hội nhập góp phần xây dựng xã hội học tập, hướng đến việc học tập suốt đời của người dân gắn với việc làm bền vững, an sinh xã hội. Đặc biệt là phát triển bao trùm cho tất cả các đối tượng có cơ hội tham gia vào hệ thống GDNN” – ông Phạm Vũ Quốc Bình cho hay.
Ghi nhận trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã tích cực thay đổi trong kế hoạch đào tạo, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh và đào tạo đạt kết quả đáng khích lệ, từng bước khẳng định trường chất lượng cao, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình mong muốn nhà trường tiếp tục phấn đấu, phát huy thế mạnh góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô và đất nước.
Theo Oanh Trần, kinhtedothi.vn