Thử thách phía trước
Trên cơ sở đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của TCty đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, phương án sắp xếp DN thuộc TCty COMA trong giai đoạn 2016 - 2021, HĐQT TCty sẽ phải sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy điều hành TCty, xóa bỏ các đầu mối trung gian quản lý dự án, bảo đảm cho bộ máy quản lý tinh giản gọn nhẹ hoạt động không bị chồng chéo và mang lại hiệu quả cao. Các phòng ban chức năng cũng được củng cố, ổn định theo hướng tinh giảm và nâng cao chất lượng cán bộ nghiệp vụ. Các ban điều hành, BQLDA cũng sẽ hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực tổ chức thi công các công trình, tự chịu trách nhiệm trước TCty về mọi hoạt động SXKD…
Tuy nhiên, năm 2017 - năm đầu tiên triển khai kế hoạch SXKD và đầu tư theo mô hình cổ phần hóa (CPH), COMA đặt ra cho mình kế hoạch khá khiêm tốn, cụ thể là chỉ tiêu sản lượng và doanh thu năm 2017 chỉ đạt 68% so với phương án CPH đề ra. Một số công trình, dự án đang trong giai đoạn tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện hồ sơ và lựa chọn nhà thầu đáng kể đều dự kiến triển khai thi công vào cuối năm 2017: Gói thầu số 5 thiết kế xây dựng và cung cấp thiết bị đồng bộ nhà Hangar (EPC) -Dự án Hangar số 3 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giá trị 360 tỷ đồng; gói thầu lắp đặt và hiệu chỉnh thiết bị cơ điện, thủy điện Thượng Kon Tum giá trị 100 tỷ đồng…
Giành thị trường nội địa
Để khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới với những kỳ vọng bứt phá, COMA sẽ phải triển khai những giải pháp quan trọng, trong đó ưu tiên hàng đầu là giải pháp đột phá về thị trường. Với kinh nghiệm qua nhiều năm trong lĩnh vực cơ khí xây dựng, trong những năm tới TCty định hướng phát triển và tập trung xây dựng COMA thành một TCty mạnh về kinh tế, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đa sở hữu, đa ngành nghề. Trong đó mũi nhọn là chế tạo cơ khí lắp máy, sản xuất công nghiệp và xây lắp. Tăng cường đầu tư phát triển ngành cơ khí xây dựng nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh và đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TCty lấy ngành cơ khí xây dựng làm chuyên ngành chủ đạo, tập trung nguồn lực vào công cuộc đổi mới và phát triển ngành cơ khí xây dựng. Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, phấn đấu tham gia vào việc nâng tỷ lệ nội địa hóa về cung cấp sản phẩm cơ khí, thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp từ 60 - 70% khối lượng và đến 50% giá trị; hướng tới trở thành nhà thầu hàng đầu về Tổng thầu EPC về xây dựng các nhà máy công nghiệp.
Tiếp tục phát triển lĩnh vực xây lắp, xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng, giao thông, thủy lợi, đa dạng sở hữu, mở rộng thị trường, đảm bảo tăng trưởng cao, SXKD có hiệu quả, tăng tích lũy để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất.
Nghiên cứu thế mạnh của các đơn vị thành viên để định hướng nhiệm vụ phát triển sản xuất đơn vị, chuyên môn hóa từng ngành nghề trong các đơn vị thành viên, tập trung đầu tư chiều sâu để sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chú trọng nghiên cứu phát triển những sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu COMA. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa như: Sản phẩm nhựa, khóa, tiểu ngũ kim, decor vân gỗ, vân đá trang trí trên nhôm, đồng hồ nước đảm bảo chất lượng, mỹ thuật và giá thành để cạnh tranh trên thị trường.
Thúc đẩy công tác tiêu thụ sản phẩm cơ khí, quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực sản xuất cơ khí chính xác thay thế, bảo dưỡng cho những công trình công nghiệp trong nước cũng như cung cấp, xuất khẩu cho đối tác nước ngoài.
Giải pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả bền vững
Điều mà các cổ đông và người lao động trông đợi nhiều nhất với các nhà điều hành COMA là vạch ra và triển khai hiệu quả giải pháp tổ chức SXKD và đầu tư.
Cụ thể: TCty sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh trung, dài hạn cụ thể từng lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với định hướng chung của TCty cũng như ngành xây dựng. Tiếp thị, tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực là thế mạnh của TCty như cơ khí trọng điểm để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế như: Máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và công nghệ chế biến, máy móc công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu, thiết bị điện - điện tử, cơ khí ôtô - cơ khí giao thông vận tải đặc biệt tập trung chế tạo, phát triển các nhóm sản phẩm cơ khí.
Tổ chức tốt công tác lập kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch SXKD và đầu tư từ TCty đến các Cty thành viên để phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Thực hiện nghiêm ngặt quy định về công tác quản lý chất lượng, thi công theo đúng thiết kế và lập biện pháp thi công tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong SXKD. Rà soát, hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý của Cty mẹ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của TCty. Tập trung cao độ, chỉ đạo điều hành, chuẩn bị tốt các nguồn lực thi công đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, an toàn lao động nơi sản xuất cũng như tại công trường.
Chú trọng đến công tác đầu tư chiều sâu năng lực sản xuất cơ khí chính xác mang lại giá trị gia tăng cao; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới nhằm phát triển thị trường sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng.
Kỳ vọng về những đổi thay sau CPH, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó tổng giám đốc COMA cho biết: Đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động SXKD của DN để tạo ra thị trường, sức cạnh tranh cho các sản phẩm của DN là vấn đề đáng quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay. Chính vì thế, tôi mong rằng, khi tiến hành CPH DN, tức là khi DN đã quyết tâm đổi mới, sẵn sàng đối diện với những thách thức của thị trường, sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư chiến lược, thì Nhà nước cần tạo ra thể chế cho lĩnh vực hoạt động của DN vận hành. Đối với ngành cơ khí, thì đầu tiên Nhà nước phải có thể chế quy định sự bảo hộ đối với sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước. Ví dụ, ở những dự án lớn, mang tính trọng điểm quốc gia cần phải đưa ra những rào cản để buộc những dự án này phải sử dụng sản phẩm của các DN Việt Nam.
Ngoài ra, DN cơ khí phải được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, cập nhật mới, đổi mới công nghệ, phần mềm, đặc biệt là đào tạo theo định hướng phát triển chung của ngành cơ khí. Và, trong định hướng phát triển chung của ngành cơ khí thì không thể thiếu những yếu tố mang tính rào cản kỹ thuật đặt ra đối với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài để buộc họ phải lựa chọn những công nghệ mới khi hoạt động tại Việt Nam và có lộ trình chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.