10 năm qua, công nghiệp Hà Nội luôn ổn định, đứng ở vị trí thứ 5 trong 63 tỉnh, thành phố. Theo cơ cấu, công nghiệp đóng góp 15,8% vào GRDP. Giá trị tăng trưởng ngành chế biến chế tạo cao hơn ngành công nghiệp và ngành công nghiệp cao hơn nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu theo nhóm ngành không có thay đổi nhiều, không có đột biến.
Hà Nội cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.
Xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2024 nhằm tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.
TP. Hà Nội đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 19/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018 - 2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội với nhiều nước trên thế giới.
Đến nay, Hà Nội có 229 sản phẩm của 132 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô; có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong tháng 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Hà Nội giảm 3,7% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố giảm 3,5% và tăng 20,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,4% và tăng 8,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 4,4% và tăng 10,6%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,7% và tăng 7,1%.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP trong tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ gồm: Sản xuất thiết bị điện tăng 89,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 46,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 49%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 36,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 35,7%; dịch vụ in ấn và sao chụp bản ghi tăng 30,4%; sản xuất thuốc lá tăng 33,5%; dệt tăng 29,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 23,3%; sản xuất trang phục tăng 22,7%...
Định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030, ngành công nghiệp chiếm 18-20% trong cơ cấu kinh tế Hà Nội. Công nghiệp Hà Nội đi đầu cả nước về phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung vào 5 ngành, lĩnh vực công nghiệp chế tạo - tự động hóa; công nghiệp điện tử - kinh tế số; công nghiệp vật liệu mới; công nghệ sinh học và chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao.
Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện… tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa.