Ferro silic được làm từ thạch anh (hay silica), vảy thép và than bán cốc (than lan), bằng cách nấu chảy trong lò nung Ferro. Mặc dù là nguyên liệu quan trọng trong ngành luyện thép nhưng hiện nay sản phẩm này chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giá không ổn định và khó mua. Hằng năm, nước ta nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn Fero Silic, dịch bệnh làm cho chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước.
Từ thực tế đó, Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện, đầu tư mới dây chuyền công nghệ Nhà máy luyện Ferro Silic lớn nhất Việt Nam tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên. Công ty đã đầu tư trên 115 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến Ferro Silic đầu tiên tại Thái Nguyên. Với công suất thiết kế đạt 12.000 tấn/năm, có thể nói đây là nhà máy có sản lượng lớn nhất và dây chuyền sản xuất hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay, đáp ứng yêu cầu của ngành luyện kim trong nước và xuất khẩu.
Mẻ Ferro Silic đầu tiên ra lò là niềm mong đợi của gần 300 cán bộ, công nhân viên Công ty.
Hiện Nhà máy sử dụng thiết bị lò hồ quang kín, với hệ thống cấp nhiên liệu tự động, được kiểm soát và điều khiển bằng hệ thống máy vi tính. Đặc biệt, Nhà máy được đầu tư hệ thống xử lý môi trường với hệ thống lọc bụi hiện đại nhất cho phép xử lý triệt để khói bụi và thu hồi tối đa phế thải để tái chế, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Ông Gou Zhanlin, chuyên gia Trung Quốc, đánh giá: Với trang thiết bị tiên tiến nhất hiện nay, lò luyện Ferro Silicon 16500KVA của Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên có khả năng sản xuất FeSi 72% đạt 50 tấn/ngày, FeSi 75% đạt 40 tấn/ngày. Trong đó, sản phẩm FeSi phục vụ chủ yếu cho các nhà máy luyện thép trong nước và FeSi 75% có ưu thế xuất khẩu. Thời gian vừa qua, chúng tôi vừa tiến hành sản xuất, vừa đào tạo, chuyển giao công nghệ cho công nhân Nhà máy vận hành thiết bị, thao tác sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản công nhân tại đây đã nắm rõ quy trình và bước đầu làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên, cho biết: Mẻ Ferro Silic đầu tiên ra lò là niềm mong đợi của gần 300 cán bộ, công nhân viên Công ty. Bởi dây chuyền sản xuất này đã được chúng tôi ấp ủ từ năm 2019. Nhưng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến quá trình nhập máy móc, thiết bị bị gián đoạn, kéo dài đến nay mới có thể chính thức vận hành sản xuất.
Dự kiến, trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất và cung cấp ra thị trường trên một nghìn tấn Ferro Silic 75%. Nhà máy sản xuất Fero Silic Thái Nguyên đi vào sản xuất không những góp phần tự chủ nguyền nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép, đúc gang trong nước, mà giá thành chỉ bằng 70% so với nhập khẩu, dự kiến hằng năm nộp ngân sách địa phương hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Nhà máy sản xuất Fero Silic Thái Nguyên là nguồn nguyên liệu đá silic phải mua tại tỉnh Phú Thọ để vận chuyển về nên không chủ động và giá thành tăng. Khắc phục vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên cần cấp mỏ đá silic trên địa bàn tỉnh cho nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài, góp phần giải quyết thêm việc làm, tăng thu ngân sách địa phương.