Dây chuyền của Nhà máy tuyển quặng sắt của công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ.
Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên hiện có 2 nhà máy là Nhà máy Luyện gang Nam Sơn, công suất 100.000 tấn/năm và Nhà máy tuyển quặng sắt, tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 2017 đến năm 2020, Công ty tiếp tục đầu tư 800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng Nhà máy luyện gang thép Nam Son với công suất 130.000 tấn/năm. Sau khi mở rộng, quy trình sản xuất của nhà máy được đồng bộ từ sản xuất quặng thiêu kết đến luyện gang, lò cao có sử dụng công nghệ phun than thay thế than coke (cốc), luyện thép từ gang lỏng bằng công nghệ lò thổi đúc hai dòng liên tục. Đây là một công nghệ được đánh giá là hiện đại tiết kiệm được nhiên liệu và cho ra sản phẩm thép, gang chất lượng cao.
Với công nghệ hiện đại, khép kín chuỗi xuất, tối ưu hóa lợi thế của địa phương về vùng nguyên liệu, hoạt động sản xuất của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên luôn duy trì được sự ổn định, tiết kiệm được chi phí; đồng thời, hạn chế tối đa những tác động ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như cuộc sống của người dân địa phương.
Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2021, Công ty đã sản xuất trên 11,6 nghìn tấn gang thỏi; 88,4 nghìn tấn phôi thép; tổng doanh thu đạt 1.512 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 9 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho trên 500 lao động với mức thu nhập bình quân 13,2 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, nhờ cơ cấu lại lao động, tổ chức tiết giảm chi phí sản xuất..., Công ty đã sản xuất trên 29 nghìn tấn phôi thép, tăng 20% so với cùng kỳ; nộp ngân sách 14,6 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ; bảo đảm việc làm ổn định cho 500 lao động với mức thu nhập bình quân 13,5 triệu đồng/người/tháng.
Khách hàng của Công ty đều là những doanh nghiệp hàng đầu ngành thép Việt Nam như thép Hòa Phát, thép Việt Đức. Nhờ sản xuất ổn định, doanh thu tăng trưởng hàng năm đã giúp cho đời sống của người lao động được nâng lên. Hiện nay, hơn 500 lao động của Công ty có việc làm ổn định với mức lương hơn 13 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đầu tư nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tỉnh Thái Nguyên có tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 49 triệu tấn tại 42 điểm mỏ, sản lượng đã khai thác là gần 10 triệu tấn. Ngoài ra, Thái Nguyên còn là địa phương có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước với khoảng 15 triệu tấn than mỡ, 90 triệu tấn than đá. Tỉnh cũng có nhiều loại kim loại màu và quặng đa kim, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn và phân bố rộng rãi.
Phát huy lợi thế nguồn tài nguyên dồi dào phong phú này, những năm qua nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nhà nước đã mạnh dạn đầu tư vào hoạt động chế biến sâu khoáng sản, nâng cao giá trị kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách cũng như việc làm cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm, lĩnh vực khai khoáng, luyện kim của Thái Nguyên vẫn tiếp tục có những bước phát triển theo hướng sản xuất chế biến sâu, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngành Công thương Thái Nguyên đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, với những dự án bắt đầu triển khai rà soát đầu vào một cách chặt chẽ, tìm nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm và có công nghệ chế biến tiên tiến nhất để đảm bảo đầu ra sản phẩm có giá trị cao nhất. Với những doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực này lâu năm ở trên địa bàn tỉnh thì phải tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để các doanh nghiệp tiếp cận có kế hoạch xây dựng dự án, thay đổi công nghệ, đóng góp vào chuỗi sản phẩm công nghiệp khai khoáng có giá trị cao nhất.