Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Nhiều trăn trở
Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 khép lại với không ít trăn trở khi xảy ra sai phạm về quy chế thi tại một số địa phương, điểm chuẩn giảm khá sâu ở hầu hết các trường/ngành đào tạo, trong đó có cả những "thương hiệu" về điểm chuẩn cao như ngành Y, một số ngành khối trường công an, quân đội...
Vấn đề chất lượng giáo dục đại học vốn chưa bao giờ cũ, nay lại được xới xáo, nhất là vào thời điểm đầu năm học mới. Kết quả kiểm tra tại các cơ sở đào tạo về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 5-2018 cho thấy, nhiều đơn vị không bảo đảm yêu cầu về năng lực đào tạo.
Cụ thể, theo quy định về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học/sinh viên phải đạt 2,8m2/sinh viên, nhưng khá nhiều trường đã "quên" quy định này. Ở một số trường tốp trên, diện tích trung bình còn ở mức khiêm tốn, thậm chí diện tích của những trường lớn chỉ bằng khoảng 1/10 so với diện tích của các trường tốp 100 khu vực châu Á...
Thực tế trên lý giải tại sao vị trí của hệ thống đại học Việt Nam còn khiêm tốn. Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn chứng, theo kết quả nghiên cứu của trường, hệ thống đại học của Việt Nam chưa được điểm tên trong các bảng xếp hạng có uy tín về giáo dục đại học trên thế giới. Ví dụ, tại bảng xếp hạng hệ thống giáo dục của các quốc gia U21 do Viện Nghiên cứu Ứng dụng kinh tế và xã hội thuộc Đại học Melbourne (Australia) xếp hạng tốp 50 quốc gia hàng đầu thế giới, Việt Nam không được xướng tên, trong khi đó khu vực ASEAN đóng góp 4 quốc gia.
Một giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Thực tế cho thấy, hệ quả của những yếu kém trong đào tạo bậc đại học đã thể hiện ở tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm ngày càng tăng. Báo cáo tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV (tháng 6-2018), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xác nhận: Chất lượng đào tạo bậc đại học chưa cao nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Xóa dạy chay, học chay
Để giải quyết vấn đề sinh viên thất nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, quy định phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp từ năm 2018 là yêu cầu bắt buộc nhằm tạo động lực cạnh tranh lành mạnh, tạo uy tín cho nhà trường, vừa là căn cứ để cơ quan quản lý, nhân dân cùng giám sát kết quả đào tạo của các trường.
Một trong những giải pháp căn bản được triển khai tại các nhà trường hiện nay là điều chỉnh nội dung, cách thức đào tạo theo hướng bảo đảm kiến thức lý thuyết ở mức hợp lý, tăng thời lượng tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập. Là một trong những đơn vị có nhiều giải pháp nhằm xóa bỏ tình trạng “dạy chay, học chay”, năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khánh thành trung tâm thực hành để sinh viên rèn kỹ năng tác nghiệp.
PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện cho biết, Học viện xác định khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo là đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách thức giảng dạy của giảng viên và việc tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của sinh viên. Với việc khánh thành trung tâm thực hành, sinh viên có thêm nhiều cơ hội để rèn thuần thục các kỹ năng cần thiết theo hướng bắt kịp nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.
Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài trung tâm thực hành thí nghiệm phục vụ cho hàng chục nghìn sinh viên các ngành đào tạo đã được thành lập từ lâu, mới đây, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực chế tạo và sản xuất trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, nhà trường đã triển khai mô hình phòng thí nghiệm nhà máy số.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, với việc được thực hành tại phòng thí nghiệm bằng những phần mềm thiết kế cơ khí hiện đại nhất hiện nay, sinh viên sẽ có điều kiện phát triển các sản phẩm một cách trực quan trên tất cả các khâu chế tạo sản phẩm như thiết kế 3D, mô phỏng, chế tạo, quản lý thiết kế...
Tại Trường Đại học Điện lực, bên cạnh việc tổ chức cho sinh viên thực hành tại trường, nhà trường phối hợp với nhiều doanh nghiệp để đưa sinh viên tiếp cận thực tế, qua đó nắm được những khoảng trống cần lấp đầy để đào tạo ra “sản phẩm” đáp ứng yêu cầu của nơi sử dụng lao động.
Định hướng gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động đang được coi là giải pháp thiết thực xóa dần khoảng cách giữa nơi đào tạo và nơi sử dụng lao động, góp phần nâng cao uy tín của nhà trường. Điều này giúp giải quyết căn bản tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hiện nay.
Để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, tập trung trang bị cơ sở vật chất, kiên quyết không để hiện tượng một số trường thuê lại nhà kho, khu tập thể để cải tạo thành giảng đường; quan tâm tới việc kết nối với doanh nghiệp, tăng cường rèn kỹ năng thực hành, ứng dụng cho sinh viên.
Duy Khánh (Theo Thống Nhất http://hanoimoi.com.vn)