Đào tạo - Nghiên cứu

Đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời

17/04/2020 00:04
914 Lượt xem
Ba năm trước, tại Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” (tháng 4.2018), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB - XH) Lê Quân đã nhắc tới một dự án quan trọng, trong đó có nội dung “phát triển thị trường đào tạo trực tuyến”. Giờ đây khi dịch Covid-19 bùng phát, “đào tạo trực tuyến đã thực sự được coi trọng”, ông Quân nhận xét và nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong cả hiện tại và tương lai chứ không chỉ mang tính tạm thời.

Nhiều trường nhập cuộc rất nhanh

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch kéo dài như hiện nay, nhất là với giáo dục nghề nghiệp?

- Theo tôi, giáo dục nghề nghiệp cần phải phát triển đào tạo trực tuyến và coi công nghệ thông tin là khâu đột phá! Chủ trương này được nhấn mạnh nhiều năm qua và chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp còn rất nhiều hạn chế, mà nguyên nhân cơ bản nhất là nhận thức về giáo dục trực tuyến, đào tạo trực tuyến của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều người chưa nhìn nhận đúng về vai trò, xu hướng phát triển của đào tạo trực tuyến; cũng chưa đánh giá đúng hiệu quả công nghệ mang lại. Bởi vậy nhiều đơn vị, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - trong đó cả người dạy, người học và người quản lý đều thờ ơ với đào tạo trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, cả đất nước phải thực hiện giãn cách xã hội, đào tạo trực tuyến đã thực sự được coi trọng. Rất mừng là nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước đây đã quan tâm và triển khai đào tạo trực tuyến, nay họ nhập cuộc rất nhanh và chủ động, đạt được nhiều kết quả tốt. Ngược lại, cũng có nhiều trường còn bỡ ngỡ và tổ chức đào tạo thiếu bài bản, không bảo đảm chất lượng.

- Hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến đã đầy đủ chưa, thưa ông?

- Có thể nói, trong 3 năm qua, Bộ LĐ, TB - XH luôn quan tâm đến phát triển giáo dục trực tuyến. Năm 2018, Bộ ban hành Thông tư số 33/2018 về đào tạo trực tuyến và hướng dẫn học từ xa, tự học có hướng dẫn. Thông tư 33 đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh, bởi Ban soạn thảo đã tiếp cận các phương pháp đào tạo từ xa của quốc tế cũng như tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các công ty cung cấp giải pháp. Từ đó, đưa ra những tiếp cận mới để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp, mang tính mở cho đào tạo trực tuyến. Chẳng hạn, chúng tôi đưa ra những tiếp cận về công nghệ, hạ tầng, cho phép nhà trường có thể đi thuê, liên kết kinh doanh để sử dụng hạ tầng; hoặc nhà trường có thể liên kết kinh doanh. Đặc biệt, cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, các công ty tư vấn đào tạo có thể tham gia sâu vào các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cung ứng giải pháp.

Một điểm quan trọng nữa là Thông tư 33 mở ra một hệ thống học liệu mở cũng như công nhận văn bằng, tín chỉ; công nhận các nội dung lẫn nhau giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp tại trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư cũng nêu rõ, việc tự học có hướng dẫn là người học có thể tự học và đạt chuẩn đầu ra thì được công nhận và chúng ta không phải đào tạo lại.    

Giảng viên một trường nghề đang giảng bài bằng hệ thống đào tạo trực tuyến. Nguồn: ITN

Giải pháp tương lai

- Như vậy, đào tạo trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời, thưa ông?

- Có thể nói, đào tạo trực tuyến là một giải pháp quan trọng trong thời gian tới. Nó giúp chúng ta phát triển được hệ thống giáo dục mở; phát triển đào tạo liên tục và công tác giáo dục ban đầu gắn với tinh thần học tập suốt đời. Đào tạo trực tuyến là giải pháp tương lai. Rất nhiều công nghệ mới sẽ cho phép nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo; cho phép sử dụng thời gian của giáo viên và người học một cách linh hoạt.

Bên cạnh đó, giáo dục trực tuyến rất hữu ích khi đào tạo lại cho những người đã và đang làm việc. Đây là một công cụ giúp cho các trường nghề có thể tiếp cận rất sớm và tiếp cận liên tục với người học; cho phép kết hợp triển khai song hành giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành; giữa đào tạo tại nhà trường và đào tạo tại doanh nghiệp; giữa việc người học đang học, làm việc tại doanh nghiệp nhưng vẫn có thể tiếp cận được với nhà trường và vẫn được tham gia các quá trình học tập và coi đó tích lũy module tín chỉ để chúng ta có được văn bằng tín chỉ trình độ quốc gia.

- Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Bộ LĐ, TB -XH có tính đến việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh trực tuyến không, thưa ông?

- Đối với công tác tuyển sinh, Bộ LĐ, TB - XH luôn quán triệt tinh thần để các trường tự chủ. Tuy nhiên, để thúc đẩy tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, Bộ hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai những việc kết nối tổng thể như: Ứng dụng công nghệ thông tin trên App điện thoại di động; trên trang Web để cho phép người học được chọn ngành, chọn nghề, chọn trường trực tuyến. Bộ cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh công nghệ thông tin nhất là đối với các chương trình chất lượng cao.

Qua dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy được một cơ hội để các trường sáng tạo phương pháp tuyển sinh. Đơn cử, thay vì việc đi làm hội thảo trực tiếp tại các trường, chúng ta có thể tổ chức rất nhiều hội thảo online; có thể đưa vào rất nhiều module, phần mô phỏng online… để giúp học sinh tiếp cận ngay trong thời gian rảnh rỗi.

-  Xin cảm ơn ông!

Việt Anh (nguồn: theo Bình Nhi, http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=434282&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10)

Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

Khai giảng khoá đào tạo Thanh tra hàn đợt 1 năm 2025

Ngày 10/3, tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt (KAYLABWS) - Viện Nghiên cứu Cơ khí, đã diễn ra lễ khai giảng khoá đào tạo Thanh tra hàn tiếp cận tiêu chuẩn Hoa Kỳ - CWI đợt 1 năm 2025.

Thông báo tuyển sinh đào tạo Thanh tra hàn đợt 1 năm 2025

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt (KEYLABWS) – đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) tuyển sinh khoá đào tạo Thanh tra hàn đợt 1 năm 2025, nhằm đào tạo học viên trở thành Thanh tra hàn tiếp cận tiêu chuẩn AWS QC1.

Đào tạo nhân lực ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp tại Trường Cơ khí - Ô tô, HaUI

Nhu cầu sử dụng lao động liên quan đến lĩnh vực Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong các doanh nghiệp hiện tại và tương lai là rất lớn. Đón đầu xu thế đó, năm học 2024 - 2025, Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tiếp tục tuyển sinh hệ đại học chính quy ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp.

Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam: Khai giảng năm học 2024-2025 và Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Năm học 2023-2024 đã khép lại với nhiều kết quả đáng trân trọng và tự hào của thầy và trò Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam (VCI). Nhà trường đã không ngừng phấn đấu để vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi với những thành tích nổi bật góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội và đất nước.

Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng đạt thành tích xuất sắc tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024

Ngày 10/11/2024 tại Cung Hữu nghị Quốc tế, Khách sạn Hoàng gia Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban tổ chức Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2024 tổ chức Lễ Bế mạc Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top