Thế giới đang biến đổi hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa với việc thiết lập các khu vực thương mại tự do (FTAs), được đẩy mạnh. Hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có kỹ năng dịch chuyển với quy mô lớn hơn và nhanh chóng hơn. Cơ hội tiếp cận nguồn lực cao hơn và sân chơi cũng trở nên rộng lớn hơn. Song đi kèm là cạnh tranh cũng quyết liệt hơn. Sau gần 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển có ý nghĩa. Nhưng vẫn còn đó biết bao khó khăn, thách thức phía trước, nhất là khi nước ta đang rất cần có những nỗ lực cải cách đột phá, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm thay đổi cách thức phát triển với mục tiêu hiệu quả, sáng tạo, bền vững.
Xét về tốc độ hội nhập trong vòng 20 năm (1995- 2015), Việt Nam đã làm được khá nhiều bằng việc các FTA đã ký kết. Đồng thời, nước ta đang tiến hành đàm phán gần đi đến hồi kết với Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với EU, với Nga, với Hàn Quốc, Ấn Độ... Nội dung cốt lõi của các FTA Việt Nam đã và sẽ ký kết, thực thi là về tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Ngoài ra, đó còn là những cam kết hợp tác và những đòi hỏi gắn bó sâu sắc mở cửa với cải cách trong nước. Đặc trưng của FTAs sắp tới là thiết lập đối tác mới, với phạm vi rộng hơn và mức độ tự do hoá mạnh hơn; mức độ tác động không chỉ xuất nhập khẩu mà còn ở thị trường và thể chế. Lĩnh vực thương mại hàng hoá FTAs sắp ký kết tiếp cận thị trường nhiều hơn và xu hướng cơ bản là loại bỏ thuế (0%) đối với 95%- 100% số dòng.
Theo Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, xu hướng cơ bản của FTAs thế hệ mới là cạnh tranh bình đẳng, cạnh tranh thắt chặt với doanh nghiệp nhà nước; tăng cường minh bạch thủ tục mua sắm công và tăng cường các ràng buộc với các công ước bảo vệ môi trường cơ bản, giải quyết tranh chấp, cạnh tranh, SME, thuận lợi hoá thương mại hải quan. Giám đốc Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh rằng, thông tin là quyền lực, các doanh nghiệp cần nắm được những thông tin về lộ trình mở cửa FTAs để xây dựng lộ trình hoạt động cho doanh nghiệp mình.
Về mức độ sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước trước ngưỡng cửa FTAs, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, việc hội nhập không còn quá xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Song, sự hiểu biết đầy đủ, mức độ các cam kết như TPP và Việt Nam- EU FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN và cao hơn nữa là đưa sự hiểu biết đó vào xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thì còn ở mức yếu. Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được những cơ hội về mở rộng thị trường từ FTAs hay không vẫn là câu hỏi rất lớn. Ngoài việc các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực cạnh tranh của chính mình thì việc tìm hiểu và khai thác cơ hội đem lại từ các hiệp định thương mại lớn rất quan trọng. Theo nhiều khảo sát và nghiên cứu của VCCI thì mức độ quan tâm và hiểu biết về các hiệp định thương mại mới này của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức độ rất hạn chế.
Cần sự chủ động toàn diện
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nền kinh tế toàn cầu đầy biến động và thay đổi mạnh mẽ, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới nhận thức, học hỏi, sáng tạo, và quyết liệt hành động trên nhiều mặt trận. Ts Võ Trí Thành cho rằng, khoảng cách giữa đòi hỏi của hội nhập hiện nay (nhất là TPP, VN-EU FTA...) và năng lực đáp ứng thực tế của Việt Nam là không hề nhỏ. Chính phủ phải hết sức nỗ lực cải cách, xây dựng chính sách theo hướng hài hòa hóa các tuyến hội nhập với chiến lược phát triển KT-XH và tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gồm luật chơi, tổ chức, thực thi; tăng cường vai trò, vị thế của khu vực tư nhân, đáp ứng cam kết hội nhập (TPP, AEC, RCEP, VN-EU FTA). Chính sách của Chính phủ cần tập trung thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích sáng tạo cả về tư duy phát triển, năng lực quản lý/quản trị và đổi mới công nghệ. Đồng thời, Chính phủ cần nhất quán trong các chỉ đạo, điều hành, tạo dựng hình ảnh tốt về cách ứng xử của một Nhà nước pháp quyền, một Chính phủ phục vụ công dân/doanh nghiệp, minh bạch, có khả năng giải trình, trách nhiệm. Chủ động có những đóng góp thiết thực cho quá trình liên kết, hợp tác khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, thời điểm hiện nay rất cần thông tin và những trao đổi, đối thoại đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giữa Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội. Thông tin không chỉ là về TPP, các FTA Việt Nam tham gia và hội nhập nói chung, mà cả về những chính sách, cải cách hiện hành cũng như những thay đổi cần thiết trong thời gian tới.
Với doanh nghiệp, Ts Võ Trí Thành cho rằng, điều cốt lõi là doanh nghiệp phải xem kinh doanh là cái nghiệp, gắn sứ mệnh đó với học hỏi cách thức kinh doanh trong bối cảnh mới. Cụ thể, doanh nghiệp cần phải học tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cơ hội kinh doanh, thị trường mở rộng cả chiều ngang và chiều sâu dựa trên lợi thế so sánh và cam kết hội nhập. Cơ hội cũng có thể xuất hiện nhờ xác định đúng năng lực trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị, và cả trong nắm bắt sự xuất hiện những lĩnh vực, ngành nghề mới như công nghiệpxanh; dịch vụ gắn với thương mại điện tử. Hai là doanh nghiệp cần học kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần được tiếp cận lại theo nhiều góc độ. Quan trọng là biết chuyển dần từ cách cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá. Cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong một thế giới với rất nhiều mạng sản xuất, chuỗi giá trị.
Điểm thứ ba, doanh nghiệp cần học cách huy động vốn. Trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn hiện được chu chuyển rộng khắp, trên phạm vi toàn cầu, và thường chịu sự chi phối của các ngân hàng thương mại, quĩ đầu tư, và các tổ chức tài chính khác. Hiện nay, các hình thức huy động vốn cũng trở nên đa dạng hơn, không chỉ là vay tín dụng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu, mà còn là sự giao thoa giữa chúng. Một lưu ý là các định chế tài chính ngày càng coi việc có hay không yếu tố xanh trong dự án, trong sản xuất kinh doanh như một yêu cầu bắt buộc để có thể cung ứng vốn. Thứ nữa là tài sản có và dòng tiền sản xuất kinh doanh. Nhiều tài sản thì khả năng thế chấp vay vốn cao; song vay vốn theo dòng tiền ngày càng được lưu tâm.
Thứ tư, theo Ts Võ Trí Thành, doanh nghiệp cần học quản trị sự bất định thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, biến cái bất định thành cái xác định như công cụ phái sinh; bảo hiểm. Nhận thức và bảo đảm đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật cũng là môt cách hạn chế rủi ro đối với các nhà xuất khẩu. Nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách là cơ sở cho những điều chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh. Điểm thứ năm, doanh nghiệp cần học cách đồng hành với Chính phủ. Bên cạnh việc hiểu các thông tin cam kết hội nhập, doanh nghiệp cần nắm bắt cả những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của Chính phủ. Thực tiễn kinh doanh cũng là một cơ sở để Chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn. Một điểm nữa, doanh nghiệp cũng cần học cách đối thoại pháp lý. Tranh luận và thực thi bảo đảm hợp đồng kinh doanh và quyền lợi doanh nghiệp dựa trên cơ sở và thủ tục pháp lý phải là một phần không tách rời của đời sống doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng dựa trên các cam kết và chuẩn mực quốc tế.
Để chủ động hội nhập, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hội nhập để biết được những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong hội nhập. Mặt khác, các doanh nghiệp cần nắm vững những yêu cầu cao hơn về mẫu mã, bao bì, đóng gói, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội… Những yêu cầu này rất cao và rất khắc nghiệt, nếu không đáp ứng được thì không thể mở rộng xuất khẩu được.
Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức, chứa đựng không ít rủi ro. Đồng thời, hội nhập mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ cho phát triển. Hội nhập phải là một bộ phận trong cải cách và chiến lược phát triển, gắn bó hữu cơ với tiến trình cải cách bên trong của đất nước. Nhìn chung cam kết và thực thi cam kết hội nhập, nhất là các FTAs có thể được ký kết trong năm 2015, tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường học hỏi để chủ động đón nhận những cơ hội, tự tin đối mặt với thách thức, rủi ro trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế.
DK (nguồn: theo Trúc Sơn, http://daibieunhandan.vn)