Nhận định việc thiếu hụt nhân lực CNTT như một “căn bệnh mãn tính”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, nếu hệ thống giáo dục không đào tạo đủ các kỹ sư CNTT trong những năm tới, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị tụt hậu.
Không những thế, theo ông Bình, chính sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đã dẫn đến tình trạng tranh giành nhân lực giữa các doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động nhảy việc ngày càng cao, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.
Thiếu hụt nhân lực CNTT buộc Samsung Việt Nam phải liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm phần mềm tại Hà Nội và TP.HCM, Intel tại Việt Nam tham gia sáng lập chương trình liên kết đào tạo kỹ sư cao cấp tại Việt Nam, DPT lập ra các khóa học về IT với tên gọi là Fanix… nhưng cung vẫn không đủ cầu và các doanh nghiệp này buộc phải tuyển dụng nhân lực CNTT nước ngoài.
Nếu ngành CNTT độc hại, lương thấp, đãi ngộ kém thì đã đành, nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành CNTT được coi là ngành có mức lương, thưởng nằm trong nhóm “hot”.
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), nhân sự mới ra trường ngành CNTT đã có mức lương khoảng 250 - 280 USD/tháng. Nhân sự đã có 3 năm kinh nghiệm là 400 - 600 USD/tháng, cấp trưởng phòng khoảng 800 - 1.000 USD/tháng và các lãnh đạo cao cấp có thu nhập 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Nghiên cứu của JobStreet.com về thị trường lao động tại Việt Nam cũng cho thấy, nhân sự làm việc trong lĩnh vực CNTT nhận mức lương trung bình 18,86 triệu đồng/tháng và đứng thứ 3 trong Top 10 các ngành có mức lương cao nhất (sau y tế và thư ký/ trợ lý/ điều hành).
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA cho biết, thu nhập của kỹ sư CNTT hiện nay cao hơn thu nhập bình quân của Việt Nam khoảng 4 - 5 lần. Nhưng lương chưa phải là tất cả để có thể giữ chân nhân sự chất lượng cao. Các doanh nghiệp cần có chính sách lương phù hợp và các chế độ đãi ngộ khác ngoài lương. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chỉ ra cho nhân viên thấy con đường nghề nghiệp rõ ràng, để nhân viên biết rõ những mục tiêu, những bước thăng tiến họ có thể đạt được trong sự nghiệp, để yên tâm làm việc. Ngoài ra, các yếu tố khác như văn hoá doanh nghiệp, hoạt động đoàn thể, tạo môi trường làm việc, ưu đãi khác… để có thể thu hút và giữ chân được nhân sự chất lượng cao.
Hiện nay, trong ngành CNTT có khoảng gần 200.000 kỹ sư đang làm việc. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam luôn được các đối tác quốc tế đánh giá cao. Trước đây, các công việc tại Việt Nam chủ yếu là lập trình (coding) hoặc kiểm thử (testing), đến nay nhiều công ty đã đảm nhận các công việc ở tầm cao hơn, như thiết kế hệ thống, nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn có một số điểm yếu như trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý dự án…), kiến thức xã hội thiếu và yếu.
Rõ ràng, “cơn khát” nhân lực CNTT của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cấp thiết. Và có thực tế là đào tạo nhân lực CNTT của Việt Nam tuy nhiều, nhưng chất lượng không cao, không đồng đều. Dù trả lương cao vẫn không thể tuyển đủ lượng thiếu hụt, nên vấn đề cần giải quyết không phải là lương mà là đào tạo nhân lực. Chỉ khi có chiến lược, kế hoạch và chương trình đào tạo phù hợp, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, thì khi đó mới có thể giải được phần nào cơn khát nhân lực CNTT.