Ảnh minh họa
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam nhập 125.663 ôtô nguyên chiếc, trị giá 2,98 tỷ USD, tăng 77,1% về lượng, tăng 88,7% về giá trị so với năm 2014. Ôtô được nhập khẩu từ 4 thị trường chính: Trung Quốc (26.742 chiếc, trị giá 1.047 triệu USD), Hàn Quốc (26.589 chiếc, 613 triệu USD), Ấn Độ (25.146 chiếc, 129 triệu USD) và Thái Lan (25.136 chiếc, 441 triệu USD).
Đáng chú ý, ôtô Trung Quốc chiếm tới 35% giá trị nhập khẩu, do lượng ôtô tải nhập khẩu với giá cao tăng vọt so với năm 2015.
Ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan mặc dù số lượng xấp xỉ nhưng giá trị thấp do chủ yếu là xe con giá rẻ. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc giai đoạn 2015- 2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 chính là nguyên nhân khiến dòng ôtô tải Trung Quốc chảy vào Việt Nam khá lớn, bởi ôtô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chịu thuế suất thuế nhập khẩu 0%; ôtô tải từ 25- 45 tấn 10-15%...
Các nhà phân tích khẳng định, đây chỉ có thể coi là những thách thức với các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam, ôtô nhập khẩu không đủ sức mạnh “đè chết” ôtô sản xuất trong nước. Những lời đồn đoán về “mệnh yểu” của công nghiệp ôtô Việt Nam là không có căn cứ thực tiễn xác đáng. Hãy xem xét vài con số sau.
Tổng lượng ôtô tiêu thụ của các doanh nghiệp thuộc VAMA năm 2015 đạt 244.914 chiếc, tăng 55% so với năm 2014- mức kỷ lục tiêu thụ ôtô Việt Nam trong lịch sử. Nếu xét riêng phân khúc xe con thì Toyota đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam với 49.778 xe con tiêu thụ năm 2015, chiếm 37% thị phần. Tiếp theo là Thaco với 42.231 xe con, chiếm 32%... Theo đại diện của Toyota Việt Nam, thị trường ôtô Việt Nam đang đứng thứ 5 trong ASEAN, còn rất nhiều dư địa và tiềm năng phát triển. Năm 2020, lượng ôtô tiêu thụ sẽ cán mốc 370.000 chiếc, một dự báo rất khả quan.
Dù thị trường ôtô có thể biến động do chính sách thuế có nhiều thay đổi từ năm 2016, nhưng các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước, cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI, vẫn dư quyết tâm, đủ lực mạnh để không bị ôtô nhập khẩu đánh bại.