Ngày 3-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và trường Đại học Copenhagen (UoC) phối hợp tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2013”.
Cuộc điều tra với hơn 8.000 doanh nghiệp đã cho thấy rõ ràng doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc đầu tư công nghệ và đã làm những gì có thể để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều trở ngại đang tồn tại có thể cản trở doanh nghiệp đầu tư ở mức thu lại được lợi ích thực sự.
“Đáng lưu ý là các trở ngại doanh nghiệp phải đối mặt trải dài từ vấn đề tài chính, nguồn nhân lực cho đến các vấn đề mang tính vĩ mô như sự yếu kém về cơ sở hạ tầng” – GS John Rand, Đại học Copenhagen đánh giá.
Đặc biệt là những trở ngại này không thay đổi so với điều tra năm 2012 cho thấy các chính sách hiện tại tiếp tục thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Nhiều doanh nghiệp tự nhận thấy mình phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng không một khó khăn nào bức thiết hơn các khó khăn còn lại. Do đó, cần một cách tiếp cận đa chiều trong chính sách công nghiệp hướng tới giải quyết nhiều trở ngại cùng lúc.
Mặc dù việc thực hiện cách tiếp cận như vậy là rất khó khăn, báo cáo cho rằng, với những trở ngại doanh nghiệp phải đối mặt, cách tiếp cận nếu được thực hiện thành công có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế.
“Kết quả điều tra năm 2013 nhìn chung không có nhiều khác biệt so với kết quả điều tra năm 2012. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh và hoàn cảnh doanh nghiệp nói chung vẫn trong tình trạng trì trệ” – chuyên gia của Đại học Copenhagen đánh giá.
Chuyển giao công nghệ chủ yếu giữa doanh nghiệp nội địa
Hơn 25 năm qua, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài (240 tỷ USD theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Một trong những mục tiêu là trông đợi doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt.
Thế nhưng, báo cáo đưa ra kết quả đáng chú ý: Phần lớn sự chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước đến từ doanh nghiệp trong nước khác(khoảng 66%). Điều này cho thấy chuyển giao công nghệ được thực hiện chủ yếu giữa các doanh nghiệp nội địa.
“Điều đó cho thấy FDI có thể không cần thiết trong quá trình các doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau.” – báo cáo đánh giá.
Báo cáo khẳng định rằng mức chuyển giao công nghệ ít như trên không phải do chất lượng công nghệ của doanh nghiệp trong nước ngang bằng với doanh nghiệp nước ngoài.
Nhưng báo cáo cũng thận trọng nhận định: “Số liệu của chúng tôi không đủ để có thể bình luận chất lượng chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp. Do vậy, liệu chuyển giao giữa các doanh nghiệp trong nước có thể giúp nâng cao năng suất hay không sẽ là chủ đề rất đáng được nghiên cứu trong tương lai”.
Báo cáo đưa ra khuyến nghị: Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc chi phí của việc thu hút FDI và những lợi ích mà doanh nghiệp trong nước nhận được, so với những lợi ích phát sinh từ sự tương tác giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Đừng dựa trên kỳ vọng chuyển giao công nghệ mà ưu đãi thu hút FDI. Chính sách hiện nay khuyến khích ưu ái nhiều cho doanh nghiệp FDI hơn DN trong nước. Chẳng hạn ngoài ưu đãi cho Samsung, chúng ta lại ưu đãi cho hàng loạt doanh nghiệp “con” của họ.
Như vậy, tại sao họ có thể mua hàng của doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước?
“Cho nên không nên nghĩ khuyến khích thật nhiều cho FDI sẽ có chuyển giao công nghệ” – bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.