Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ chính sách thuế mớ
Bảo vệ sản xuất trong nước
Trước cam kết giảm thuế theo nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vấn đề áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ và miễn thuế là một trong những điều khoản được quan tâm nhất trong Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi). Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại không nhằm mục đích ngăn cản hàng hóa nhập khẩu mà chỉ xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh của DN nước ngoài, gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại, giao cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và cạnh tranh (tương tự như Bộ Công Thương) có trách nhiệm trong việc điều tra, quyết định mức thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm kịp thời ban hành biện pháp nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước. Do vậy, Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) chỉ rõ, thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn được giao cho Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nêu vấn đề, trong tháng 3/2016, khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép nhập khẩu, một số DN trong nước gom hàng đầu cơ, tăng giá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Để hạn chế tối đa tình trạng này này, Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) quy định: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; kịp thời ban hành biện pháp đồng bộ, công khai, minh bạch để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, tăng giá hàng hóa khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tiền chậm nộp thuế: 0,03%/ngày
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, một điểm điều chỉnh, sửa đổi nhận được nhiều ý kiến đồng tình là quy định mức tiền chậm nộp thuế ở mức 0,03%/ngày.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, năm 2015, nền kinh tế đạt được một số thành tựu nhất định, dần ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là DN có nhiều thuận lợi mà thực tế, vẫn còn tiềm ẩn không ít khó khăn. Đặc biệt, áp lực cạnh tranh rất lớn trong giai đoạn hội nhập khi hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam.
“Những năm qua, DN làm ăn thua lỗ do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan chứ không hoàn toàn do ý thức chủ quan. Quy định tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày dựa trên tình hình thực tế, thể hiện sự lắng nghe của Quốc hội, Chính phủ với những khó khăn mà DN gặp phải”- ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết thêm, quy định người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp 0,03%/ngày phù hợp với tình hình hoạt động của DN trong thời gian vừa qua, giúp DN có thêm cơ hội và điều kiện vượt qua khó khăn, nhưng cũng đủ đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen:
Việc sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đã đáp ứng cam kết hội nhập quốc tế, đồng thời khuyến khích, tạo động lực cho DN phát triển.