Giảm nhu cầu nhân lực
Bịch bệnh Covid-19 đã gây nên những khủng hoảng lớn về nhân lực tại nhiều doanh nghiệp; đặc biệt, tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn không nhiều. Chỉ tính riêng ở TP Hà Nội, thống kê của các cấp Công đoàn TP Hà Nội cho thấy, đã có 1.298 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, với trên 34.000 người lao động bị tác động, mất việc làm, thiếu việc làm; một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Cùng với các doanh nghiệp, cũng có 520 trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh, với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm… Không riêng ở Hà Nội, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ khiến hàng trăm nghìn lao động có nguy cơ thất nghiệp.
Theo báo cáo Thị trường lao động quý I.2020 - Dự báo nhu cầu nhân lực quý II tại TP Hồ Chí Minh mới công bố, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhân lực 3 tháng đầu năm giảm (27,3%) so với cùng kỳ năm 2019 ở một số ngành nghề như: Vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may - giày da. Kết quả khảo sát nhanh 163 doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp trả lời cho người lao động làm việc bình thường là 77,3%; 8,6% doanh nghiệp giảm giờ làm; 7,4% doanh nghiệp không tăng ca và 6,7% doanh nghiệp thiếu việc làm. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu nhân lực quý II.2020 cần khoảng 47.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề: Kinh doanh - thương mại; công nghệ thông tin; hành chính - văn phòng; y tế - chăm sóc sức khỏe; dịch vụ tư vấn - chăm sóc khách hàng; marketing; chế biến lương thực - thực phẩm; dược phẩm; vận tải; dệt may; công nghệ tài chính (Fintech); giải trí trực tuyến... Tính đến cuối tháng 3, có gần 1.000 doanh nghiệp tham gia đăng ký tuyển dụng lao động với 11.301 vị trí việc làm. Doanh nghiệp tuyển dụng với số lượng lớn như Công ty TNHH Elentec Việt Nam tuyển 1.000 công nhân, kỹ thuật viên sửa chữa khuôn đúc và vận hành máy CNC; Công ty Molex Việt Nam tuyển 500 công nhân lắp ráp điện tử; Công ty May 10 tuyển 100 công nhân.
Nhiều công ty ở trong tình trạng “đói nhân sự” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn: ITN
Cần chiến lược dài hạn
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn nhân lực là các nhà quản lý hoặc chuyên gia ở các dự án, công trình trọng điểm. Mặc dù, các địa phương đều tích cực, chủ động các phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế nhưng những vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, điều hành lâu năm đang rất thiếu. Chính vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia lao động, bên cạnh những gói hỗ trợ an sinh xã hội như: Hỗ trợ lương, giảm đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương… cần triển khai chính sách hỗ trợ gắn với đào tạo và chuyển đổi nghề.
Giám đốc điều hành Navigos Search, Tập đoàn nhân sự Navigos Nguyễn Phương Mai chia sẻ, dịch Covid-19 tác động và ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định chứ không phải toàn bộ thị trường lao động nên chúng ta vẫn có thể lạc quan về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới. Chính vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp trong đào tạo để người lao động chuyển đổi nghề phù hợp, thích ứng với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động cần tận dụng thời gian trau dồi kỹ năng nghề, kỹ năng mềm để thích ứng trong điều kiện mới.
Đưa ra những giải pháp để ổn định việc làm cho người lao động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, khi có biến cố xảy ra về dịch bệnh, kinh tế, khủng hoảng, thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực đối phó với những biến cố này là rất quan trọng. Do đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, trong thời điểm hiện tại, mà chúng ta phải tính cho dài hạn, cho tương lai. Chính vì thế vai trò của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp rất quan trọng. Hiện nay với tổng kinh phí 70.000 tỷ đồng, không chỉ để trả cho lao động khi không có việc làm, mà bản chất là để thực hiện đào tạo cho người lao động trở lại thị trường lao động. Nếu doanh nghiệp nào có đủ điều kiện thì tiến hành đào tạo cho lao động, trao đổi với bảo hiểm xã hội để rút kinh phí đào tạo. Nơi nào không đủ điều kiện đào tạo thì để người lao động đến các trung tâm lao động việc làm liên hệ hỗ trợ đào tạo. Kinh phí đào tạo do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả.
Việt Anh (nguồn: theo Thái Yến, http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=434241)