Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp CBCT của tỉnh Quảng Ninh đang tăng dần.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngành công nghiệp CBCT của Quảng Ninh là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng doanh nghiệp CBCT của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020 tăng 550 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh định hướng phát triển công nghiệp CBCT đối với các ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng, có sức lan tỏa, thúc đẩy thu hút phát triển công nghiệp, như: Sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô, điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học…Trong đó lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch đã thu hút được một số nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, có năng lực, kinh nghiệm vào nghiên cứu, đầu tư như Thành Công, TCL, Foxconn, Vingroup...
Lao động trong ngành công nghiệp CBCT giai đoạn 2010-2020 của tỉnh Quảng Ninh tăng 1,4 lần, từ 37.293 người năm 2010 (chiếm 24,95% số lao động toàn ngành công nghiệp), ước tăng lên 54.213 lao động năm 2020 (bằng 38,38% lao động trong toàn ngành công nghiệp). Trong đó, lao động làm việc trong các khu công nghiệp là hơn 24.000 người, chiếm xấp xỉ 50% lao động toàn ngành công nghiệp CBCT. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và được cấp chứng chỉ của tỉnh tăng từ 35,2% năm 2015 lên 45,5% năm 2020, dự kiến đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 52. Điều đó cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực được ngày càng được nâng cao, góp phần tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu lao tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Tuy nhiên, việc sử dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lao động của Tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp CBCT phát triển, trình độ tổ chức quản lý, sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất công nghiệp chưa thật sự hiệu quả, còn thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao.
Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu thuộc Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy, nhu cầu lao động cần có của Tỉnh năm 2021 là 742,77 nghìn lao động, năm 2025 là 798,28 nghìn lao động và đạt 874,25 nghìn vào năm 2030. Trong đó, ngành công nghiệp CBCT, dự báo đến năm 2025 cần khoảng 128.767 lao động và đến năm 2030 cần khoảng 178.455 lao động; nhu cầu lực lượng lao động có chứng chỉ nghề trở lên của ngành CBCT cần khoảng 96.517 người năm 2025 và 141.711 người năm 2030. Tập trung ở một số lĩnh vực như: Công nghiệp thông tin và truyền thông, công nghiệp ô-tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp thời trang,...
Cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm thu hút các tập doanh kinh tế lớn, nhà đầu tư chuỗi và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều đó, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới, sáng tạo trong tư duy. Vì vậy, phải xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nhân lực phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp CBCT.
Nghị quyết Đại hội XV, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược”.
Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 tạo ra 30.000 và năm 2030 là 50.000 chỗ làm việc mới của ngành công nghiệp CBCT; với nhiệm vụ, giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025, trong đó, chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện, điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao, công nghệ ô tô,...
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số trên địa bàn, theo ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nhằm cung ứng lao động có kỹ năng phục vụ cho các ngành kinh tế của Tỉnh, nhất là đối với những ngành nghề đang cần thu hút như công nghiệp CBCT, công nghệ thông tin, logictics, công nghiệp xây dựng; du lịch, dịch vụ,... Cùng với đó là quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, hướng đến xây dựng các trường chất lượng cao, thực hiện đào tạo các chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới, tiếp cận trình độ đào tạo nghề các nước ASEAN-4. Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng thị trường lao động. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nhân dân và những người trong độ tuổi lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo những điều kiện thuận lợi nhất nhằm khắc phục những khó khăn, hỗ trợ người lao động để người lao động yên tâm làm việc, có như vậy, mới thu hút và giữ chân người lao động ở lại làm việc.