Nâng cao đời sống người lao động, đẩy mạnh truyền thông để hạn chế hưởng BHXH một lần.
Thực trạng đáng lo ngại
Thống kê từ năm 2016 đến 2020 cả nước có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo các chuyên gia, việc người lao động nhận BHXH một lần - tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Điều dễ nhận thấy, hưởng BHXH một lần có thể đáp ứng được tài chính trước mắt, song sẽ lấy đi các tầng an sinh về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế, tử tuất. Về lâu dài, tỷ lệ lớn người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực để bảo đảm an sinh.
BHXH Việt Nam cho rằng, nếu người lao động hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Cụ thể, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Cần nâng cao đời sống người lao động
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhận định, cần phải thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nhận BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Lý do người lao động hưởng BHXH một lần có rất nhiều, trong đó có nguyên nhân đời sống khó khăn, dịch bệnh… Do đó, để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc đầu tiên là phải chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi, hầu hết rút BHXH một lần là công nhân, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải những hoàn cảnh éo le. Vì vậy, để giải quyết tận gốc tình trạng này, thì phải nâng cao đời sống người lao động, chỉ khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm thì sẽ không còn nghĩ đến việc rút BHXH một lần nữa. Đây là giải pháp căn cơ và mang tính bền vững nhất.
Tiếp đó là cần tăng cường thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức để cho người lao động hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của chính sách BHXH. Việc truyền thông cần hướng tới mục đích tạo dựng được một văn hoá an sinh xã hội, hay nói cách khác là văn hoá tham gia BHXH thì mới là thành công.
Và cuối cùng, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là cần tiến hành tổng kết Nghị định số 93/2015/QH13 trong thực hiện Điều 60 Luật BHXH về vấn đề rút BHXH một lần; đồng thời tiến hành sửa đổi Luật BHXH. Hiện, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu đến năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến; trong đó có nội dung tăng cường các lợi ích khi người lao động không hưởng BHXH một lần. Đây là cách nhiều nước đang thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.