Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm
Theo số liệu tổng hợp tính đến 30/9/2020 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tổng số vụ cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kiến nghị khởi tố: 305 vụ (năm 2018: 74 vụ, năm 2019: 163 vụ; 9 tháng đầu năm 2020: 68 vụ). Trong đó: Kiến nghị khởi tố theo Điều 214 Bộ luật Hình sự: 6 vụ; kiến nghị khởi tố theo Điều 215 Bộ luật Hình sự: 0 vụ; kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự: 299 vụ. Về kết quả xử lý của cơ quan Công an: Đã khởi tố: 4 vụ theo Điều 214 Bộ luật Hình sự (Hải Dương 3 vụ, Hậu Giang 1 vụ); đã tiếp nhận, đang xem xét xử lý (một số trường hợp yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp, bổ sung hồ sơ để phục vụ điều tra, xác minh): 180 vụ; không khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ giải quyết kiến nghị: 65 vụ.
Về lý do, cơ quan Công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định như: Hành vi vi phạm, việc xử phạt vi phạm hành chính xảy ra trước 1/1/2018; hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị được xác định không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác; chưa xử phạt vi phạm hành chính; chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã bỏ trốn về nước…
Nhiều vụ vi phạm pháp luật về BHXH vẫn chưa được xử lý hình sự.
Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 Bộ luật Hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 và Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, có đến 21% số trường hợp cơ quan Công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, trên 18,7% cơ quan Công an từ chối giải quyết do hồ sơ kiến nghị khởi tố chưa đủ điều kiện thụ lý.
Còn nhiều cách hiểu khác nhau về hành vi vi phạm
Theo Vụ Pháp chế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tiễn công tác gửi kiến nghị khởi tố cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng, theo đó, đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người tham gia bảo hiểm xã hội, số tiền phải đóng, khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đóng, được cơ quan Công an xác định là không có thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác nên không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216.
Bên cạnh đó, về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”. Cơ quan điều tra không thụ lý hồ sơ do quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành được xác định đối với hành vi chậm đóng nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định. Ngoài ra, Biên bản xử phạt vi phạm hành chính xác định chủ thể là đơn vị sử dụng lao động nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân không có căn cứ.
Liên quan dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” còn có cách hiểu khác nhau: Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm được hiểu là cùng hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đơn vị sử dụng lao động không nộp số tiền vi phạm (thỏa mãn dấu hiệu từ đủ 6 tháng trở lên đối với 10 người hoặc 50 triệu đồng) hay là hành vi vi phạm tiếp tục tái diễn sau khi đã bị phạt vi phạm hành chính (mà đơn vị sử dụng lao động trước đó đã nộp tiền hoặc chưa nộp số tiền vi phạm được xác định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính).
Thêm nữa, số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không. Một số địa phương phản ánh vướng mắc trong việc tính số tiền lãi thời gian chậm đóng trong tổng số tiền vi phạm khi lập kiến nghị khởi tố, cụ thể: Số tiền vi phạm đối với các hành vi thực hiện trước ngày 1/1/2018 có khoản lãi phát sinh từ ngày 1/1/2018 thì khoản phạt lãi này có được tính gộp vào khoản nợ phát sinh sau ngày 1/1/2018 để làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không. (Số tiền vi phạm làm căn cứ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 chỉ tính đối với số tiền trốn đóng thực tế, không bao gồm số tiền phạt lãi, mặc dù số tiền phạt lãi là khoản phải thu theo quy định).
Trước thực tế đó, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Đào Việt Ánh yêu cầu các địa phương trước khi gửi hồ sơ sang phía cơ quan Công an cần trao đổi, nắm bắt thông tin để việc xử lý dễ dàng nhất. Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, cần bổ sung hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, qua đó làm gương cho những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm./
HÀ VY