Sáng 4/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng ở mức 6-6,5% cho năm nay:
Kịch bản 1: GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2: GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố, tăng tưởng quý II tích cực hơn, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ 2022, cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II cao hơn. Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%; Vĩnh Phúc tăng 3,8%...
Cùng với đó, nhiều chỉ dấu tích cực như, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,39% so với cùng kỳ 2022, tiếp tục xu hướng giảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng tăng, xuất siêu 12,25 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Giải ngân vốn đầu tư công đã có cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch, tương đương hơn 65.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, đặc biệt là ngành công nghiệp có cải thiện, giá trị tăng thêm quý II là 1,56%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam cũng xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa cuối năm. Đó là, doanh nghiệp, nền kinh tế đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; các chính sách, giải pháp tiền tệ, tài khóa... đã được triển khai và sẽ bắt đầu được triển khai trong thời gian tới; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân... Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm và cả năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư, xuất khẩu; đồng thời tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động…