Năm 2021, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với chuyên gia tư vấn cải tiến của Công ty điện tử Samsung Việt Nam triển khai chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh khu vực phía Nam”. Có 78/170 doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình này, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã giảm xuống còn 51 doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ về dệt may, da giày, cơ khí, nhựa, điện tử….
Tại buổi lễ tổng kết chương trình, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục Trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện thực hóa chương trình phát triển công nghiệp theo nội dung Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016 – 2025 đã và đang được Bộ Công Thương triển khai một cách đồng bộ và khoa học trên phạm vi cả nước với sự tham gia của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Theo đó, hai Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam thuộc Cục Công nghiệp chủ trì triển khai hướng đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Ông Hoàng Bá Sơn, Quyền Giám đốc IDCS, ký kết biên bản ghi nhớ với ông Nguyễn Văn Thành, Hiệp hội doanh nghiệp huyện Củ Chi.
Cùng với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất, chuyên gia kỹ thuật khuôn mẫu, chuyên gia kỹ thuật phát triển nhà máy thông minh, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các tiêu chuẩn như IATF 16949, tiêu chẩn CE, UL để xuất khẩu hàng hóa, chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh” là nội dung được triển khai liên tục trong những năm qua và mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp khi tham gia chương trình này.
Với sự nỗ lực của các thành viên Ban Chủ nhiệm đề án, sự phối hợp tâm huyết của các chuyên gia tư vấn Việt Nam và đặc biệt sự tin tưởng của các doanh nghiệp, từ đầu tháng 10/2021, chương trình được triển khai đồng loạt tại 51 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia thụ hưởng, trên cơ sở quy trình tư vấn đã được Samsung áp dụng rất thành công, bao gồm: Gặp gỡ lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, đánh giá tình hình hoạt động và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; khởi động quá trình tư vấn đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa thông qua việc duy trì môi trường làm việc (5S3D) và cải tiến năng suất; cải thiện cơ sở sản xuất như chất lượng và lưu thông hàng hoá; tổng kết, đánh giá và đưa ra phương hướng duy trì và tự cải tiến cho doanh nghiệp thụ hưởng.
Việc triển khai chương trình tại 51 doanh nghiệp đảm bảo đúng trình tự, nội dung, thời lượng, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia tư vấn đã được đào tạo bài bản trước đây đã mang lại hiệu quả cụ thể cho doanh nghiệp. Năng suất, chất lượng được tăng lên trung bình đạt 20%, nhà xưởng được bố trí lại đảm bảo tính phù hợp, tiết kiệm được diện tích trung bình đạt 34%, môi trường làm việc của người lao động tại doanh nghiệp được cải thiện thông qua triển khai các đề tại về 5S3D, PRO3M mang lại không gian làm việc khoa học, tiện lợi, dễ quan sát, dễ kiểm tra, dễ vận hành.
Chương trình đã đạt được các mục tiêu đề ra. Các chuyên gia tư vấn chỉ ra cho doanh nghiệp rất nhiều lãng phí thông qua đề tài nhận dạng, đánh giá 10 loại lãng phí thường gặp trong sản xuất. Điều này mang lại niềm tin vào chương trình cho doanh nghiệp và chính người lao động...
Ông Hoàng Bá Sơn - Quyền Giám đốc IDCS cho biết, bước đầu đơn vị đã nhận được phản hồi tích cực khi doanh nghiệp tham gia chương trình đánh giá cao việc tăng năng suất, giảm lãng phí, cải thiện môi trường làm việc. Để chương trình được lan tỏa và tạo được sự chủ động tự cải tiến sản xuất trong cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung cần có sự chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, của các bộ ngành, đặc biệt sự tham gia phối hợp triển khai của các sở ngành địa phương và các hiệp hội ngành nghề.