Hội chợ vừa giúp các doanh nghiệp có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng. Ảnh: Thùy Linh
Với hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn và hằng năm đón khoảng 21 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phát triển, phân phối đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước gồm: 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, trên 1.000 hệ thống cửa hàng tiện ích, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, Hà Nội có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn Thành phố chưa đủ để phục vụ nhân dân. Do đó, việc tổ chức Hội chợ hàng Việt nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của TP. Hà Nội, đồng thời hỗ trợ một số tỉnh, thành phố kết nối, tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh vào kênh phân phối của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu còn thiếu về nguồn cung và góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn Hà Nội.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm nay, Hội chợ hàng Việt TP. Hà Nội có sự tham gia của gần 300 gian hàng của trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt. Đây cũng là năm thứ 5 Hội chợ hàng Việt của Hà Nội được tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hàng hóa tham gia Hội chợ có chất lượng, chủng loại đa dạng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đánh giá cao sáng kiến của TP. Hà Nội trong việc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành trong thời gian diễn ra Hội chợ.
“Với sự tích cực đăng ký tham gia Hội nghị của hơn 100 nhà cung cấp và 30 doanh nghiệp phân phối hàng Việt Nam có uy tín sẽ là cơ hội quý để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương hiệu và thị trường. Các hoạt động này khẳng định Hà Nội luôn là một trong những tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực, sáng tạo, đi đầu trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Cơ hội để doanh nghiệp kết nối người tiêu dùng
Sội động, nhiều mặt hàng đa dạng, chất lượng, sản phẩm đầu vào có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, đó là những gì mà doanh nghiệp Việt Nam và người dân Hà Nội nhận xét trong ngày đầu khai mạc Hội chợ hàng Việt 2017 tại Hà Nội. Đặc biệt, khu trưng bày giới thiệu cách phân biệt giữa hàng giả và hàng thật được nhiều người dân quan tâm và chú ý.
Liên tục nhiều năm liền tham gia Hội chợ, bà Trương Thị Chủ, cơ sở sơn mài Nam Chủ (địa chỉ tại Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) đánh giá cao khâu tổ chức, cũng như quảng cáo của Ban Tổ chức giúp cho các gian hàng đạt được hiệu quả cao khi tham gia.
“Thông qua Hội chợ, giúp cho cơ sở có thể quảng bá sản phẩm, kết nối được với rất nhiều doanh nghiệp, doanh thu của cơ sở sơn mài Nam Chủ năm sau cao hơn năm trước 20%”, bà Trương Thị Chủ nói.
Còn theo anh Lê Mạnh Tuấn, cán bộ Marketing và Phát triển sản phẩm (Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương) cho biết, Hội chợ hàng Việt rất cần thiết không chỉ riêng đối với Hà Nội mà ở cả các địa phương vì giúp xúc tiến được nhiều sản phẩm. “Tham gia Hội chợ hàng Việt lần này, chúng tôi mong muốn kết nối được với các siêu thị, doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm dưa lưới sạch của công ty, tôi cũng đã giới thiệu cho gia đình, bạn bè đến để có thể mua được những sản phẩm thiết yếu tại đây”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, Hội chợ đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp các doanh nghiệp có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu. Người tiêu dùng Thủ đô có thêm cơ hội mua sắm hàng hóa tập trung, có chất lượng và giá cả phù hợp. Đây cũng là đòn bẩy tích cực kích thích mua sắm, tiêu dùng trong tháng cuối năm, góp phần vào tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố.
Quỳnh Trang (nguồn: Theo Thùy Linh http://thanglong.chinhphu.vn)