Thành phố Đà Nẵng đóng vai trò hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với thế mạnh địa lý, hạ tầng và nhân lực, Đà Nẵng còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những ngành kinh tế cấp 1 có quy mô giá trị gia tăng lớn nhất của Đà Nẵng và cũng là ngành kinh tế chủ lực của khu vực Công nghiệp – Xây dựng (chiếm hơn 62% tổng giá trị gia tăng của khu vực).
Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố tháng 8/2023 tăng 3,4% so với tháng 7/2023, giảm 1,3% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng, chỉ số IIP giảm 2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo – lĩnh vực mũi nhọn chủ lực của công nghiệp Đà Nẵng vẫn tiếp tục giảm sâu 3,6%. Một số ngành chủ lực bị áp lực chi phí sản xuất, giá nguyên liệu tăng trong khi thiếu đơn hàng như ngành dệt (giảm 10,8%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (giảm 11,5%), sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 11,5%), công nghiệp chế biến, chế tạo khác (giảm 39,6%),…
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2023 đã khởi sắc, tăng 3,4% so với tháng 7/2023 nhưng vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo Đà Nẵng giảm 3,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tồn kho ngành chế biến chế tạo thành phố tăng nhẹ so với tháng 7/2023, và tăng tới 27,6% so với cùng kỳ 2022, sức tiêu thụ chậm. Chỉ số sử dụng lao động tháng 8/2023 giảm 9,7% so với năm 2022. Tính chung 8 tháng, chỉ số sử dụng lao động giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Một phần lớn nguyên nhân của tồn kho tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp chưa được cải thiện tốt là bởi xuất khẩu thành phố đang tiếp tục chịu tác động tiêu cực của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu Đà Nẵng tháng 8/2023 chỉ đạt 162 triệu USD, tăng không đáng kể (0,5%) so với tháng 7/2023, nhưng giảm tới 19,5% so với cùng kỳ 2022; nhập khẩu đạt 90 triệu USD, tăng 10% so với tháng 7/2023, nhưng giảm tới 36% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Đà Nẵng ước đạt hơn 1,93 tỷ USD, giảm 19,5% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 1,23 tỷ USD, giảm 14,1%, nhập khẩu đạt 706 triệu USD, giảm 27,4%.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn thành phố cho biết vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong 4 tháng cuối năm. Nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu.
Trong định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng, công nghiệp hỗ trợ là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển của Đà Nẵng, nhằm góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Nhằm kết nối giao thương, thúc đẩy liên kết, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh, từ ngày 12-14/9/2023, Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, với quy mô hơn 160 gian hàng trưng bày tiêu chuẩn của các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo thuộc các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, dệt may, da giày và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác mở rộng theo chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ chương trình có Hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (cơ khí chế tạo, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dệt may, da giày) của thành phố Đà Nẵng, khu vực Miền Trung Tây Nguyên, các tỉnh/thành phố trong cả nước, các hiệp hội, hội doanh nghiệp trong và ngoài thành phố; các doanh nghiệp FDI, các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh, cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các cơ quan truyền thông.