Trước hết cần hiểu, BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mới được thực hiện ở Việt Nam từ ngày 01/01/2008 theo quy định của Luật BHXH 2006. Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã có những quy định tiến bộ như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (không khống chế trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện).
Hạ mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tính trên mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, mức thu nhập tháng thấp nhất đã hạ xuống bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Ngoài ra, Luật BHXH còn giao Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Với quy định về mức đóng thay đổi thì nhiều người sẽ tiếp cận được với chính sách BHXH tự nguyện, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Quy định phương thức đóng BHXH tự nguyện linh hoạt hơn cho người tham gia được lựa chọn đóng hàng tháng hoặc 3 tháng một lần, hoặc 6 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần….Về chế độ được hưởng: Tiếp tục duy trì chế độ hưu trí và tử tuất; đồng thời có quy định quyền lợi hưởng liên thông với chính sách BHXH bắt buộc.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đây vẫn còn là chính sách mới, nên cần phải có thời gian để người dân cân nhắc lựa chọn. Bên cạnh đó, tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn mang tính phổ biến trong các tầng lớp dân cư của Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; người dân chưa thể lo xa cho tuổi già của mình được bởi đang phải đối diện với những khó khăn hàng ngày về cơm áo, gạo tiền.
Tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến với người dân.
Thêm nữa, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động nông, lâm, diêm nghiệp... ở khu vực không chính thức với thu nhập thấp và không ổn định trong khi Luật quy định thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện còn khá cao (thấp nhất bằng mức tiền lương cơ sở); nên người lao động khó có khả năng tham gia; thời gian đóng BHXH tối thiểu để dược hưởng BHXH là 20 năm là khá dài, đòi hỏi sự kiên trì, tin tưởng vào chính sách Nhà nước thì người dân mới tham gia;
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia; hiện tại người tham gia BHXH phải đóng toàn bộ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất (BHXH bắt buộc người lao động đóng 8%, NSDLĐ đóng 14%); phương thức đóng BHXH tự nguyện chưa linh hoạt. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn một số hạn chế chưa phù hợp với các nhóm đối tượng, người dân chưa hiểu về BHXH tự nguyện….
Từ thực tế đó có thể thấy, để tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện là thách thức rất lớn không chỉ đối với ngành BHXH mà với cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, trong đó quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH tự nguyện để người dân hiểu, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH tự nguyện; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân giúp cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tính ưu việt, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách này….
HÀ DUY