Có thể nói, Luật BHYT ra đời (năm 2008) và sửa đổi, bổ sung (năm 2014) đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân. Thực hiện Luật BHYT 5 năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số.
Ngày 12/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT (giai đoạn 2014-2019) và xin ý kiến về dự thảo Luật BHYT (sửa đổi).
Người tham gia cũng được tạo điều kiện trong KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã trong phạm vi tỉnh và tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc. BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Theo BHXH Việt Nam, tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh KCB BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn, người dân được tuyên truyền về chính sách BHYT ngày càng thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia của BHYT. Khi giá dịch vụ y tế dần tiến tới tính đúng, tính đủ thì chi phí cho một lần khám, cho một đợt điều trị nội trú tăng lên khá cao. Do đó, người dân thấy rằng, nếu không tham gia BHYT, khi bị ốm đau, bệnh tật sẽ tốn chi phí khá lớn so với trước đây.
Những năm qua, công tác tuyên truyền BHYT với nhiều hoạt động và nội dung phong phú đem lại hiệu quả tích cực. Tổ chức hệ thống và đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT được củng cố và phát triển. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần củng cố và phát triển hệ thống y tế (nhất là y tế cơ sở), nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, BHYT còn giúp khôi phục và phát triển hệ thống y tế trường học, góp phần ổn định hệ thống an sinh xã hội…
Có thể thấy những kết quả, thành tựu trong thực hiện Luật BHYT 5 năm qua là rất lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật.
“Vì vậy, ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tháng 12/2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Hiện, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Mục tiêu sửa đổi nhằm: Khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 10 năm thực hiện Luật BHXH; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, học tập bài học kinh nghiệm về BHYT trên thế giới; đồng bộ với những quy định tại các luật có liên quan.
Một số nội dung mà Ban soạn thảo đang biên tập sửa đổi như đối tượng tham gia BHYT, mức đóng BHYT cũng như phương thức thanh toán cần rất cụ thể. Lần này, dự kiến sẽ đề xuất đưa vào dự thảo Luật có Hội đồng quốc gia về BHYT. Hội đồng này có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành để triển khai thực hiện các chính sách BHYT.
VÂN ANH