Khó lựa chọn
Như chúng tôi đã đề cập, Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp ôtô VN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố giảm thuế và lựa chọn dòng xe chiến lược (không lựa chọn nhà sản xuất chiến lược). Điều này khi so sánh với sự phát triển ngành công nghiệp ôtô của một số nước trong khu vực (chúng tôi đã đề cập) thì không có nhiều sự khác biệt. Vậy nhưng tại sao lại khó lựa chọn như vậy ?
Thời điểm các nước như Thái Lan hay Indonesia khi quyết định lựa chọn các dòng xe chiến lược với xe Pickup 1 tấn và xe MPV đã từ rất lâu và rất phù hợp với bối cảnh của nước họ lúc đó cũng như điều kiện, xu hướng cạnh tranh khu vực và thế giới lúc đó. Vậy nếu mình lựa chọn phát triển giống họ, phát triển dòng xe chiến lược với những tiêu chuẩn không cao như trong đề xuất vào thời điểm này có còn hợp lý ? Trong khi sức cạnh tranh - nói như ông Jesus Metelo Arias - Tổng giám đốc Ford VN, Chủ tịch VAMA : “Khi tôi tham khảo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô thì thấy là tập trung nhiều vào thị trường trong nước mà chưa chú ý tới thị trường trong khu vực.
Có thể mở rộng sân chơi của VN. VN dường như đang muốn mở rộng dòng xe nhỏ và xác định đây là hướng đi của mình. Trước VN đã có Thailan và Indonesia đang cạnh tranh sản xuất dòng xe này và đang có những bước chắc chắn tiến tới giai đoạn phát triển cao hơn về chiến lược cũng như sản phẩm (xe thân thiện với môi trường chẳng hạn). Nếu VN cũng đi theo hướng này thì sẽ phải cạnh tranh lớn và khó thành công. Quan điểm của chúng tôi là không nên giới hạn dòng xe nào mà để tự DN quyết định trên cơ sở điều tiết của thị trường.
Một yếu tố căn cơ nữa là VN nên có chính sách hỗ trợ và chính sách thuế thấp hoặc bằng các nước trong khu vực. Tại sao hiện chi phí sản xuất của VN hiện cao hơn 20% so với các nước khác ? Cần tìm cách để đưa chi phí sản xuất xuống thấp hơn.
Nói những điều trên để thấy việc lựa chọn dòng xe chiến lược liệu có quá lạc hậu và vo tròn với thị trường trong nước mà chưa tính đến những yếu tố hội nhập.
Rõ nét xu hướng lấy nhập khẩu là chính
Đến thời điểm hiện nay, chưa ai dám khẳng định vào thời điểm 2018, các DN sẽ dừng sản xuất, lắp ráp ôtô tại VN mà chủ yếu chuyển sang nhập khẩu thương mại đơn thuần. Nhưng nhìn vào những động thái vừa qua cũng như hiện nay thì cũng cần suy nghĩ đến điều đó.
Thứ nhất, trong mấy năm trở lại đây, ngoài những DN chuyên về nhập khẩu ôtô chính hãng lớn như BMW, Audi… thì hầu hết các hãng đang có nhà máy lắp ráp ôtô tại VN đều gánh thêm vai nhập khẩu và kinh doanh xe nguyên chiếc. Điều đáng bàn là tỉ lệ nhập và bán xe nhập khẩu của nhiều DN đang dần cân bằng, ngược lại hoàn toàn so với trước đây là tỉ lệ xe lắp ráp trong nước tiêu thụ đến trên 3/4 tổng lượng xe của các DN này. Ở một góc độ khác, dễ nhìn nhận hơn thì tại các kỳ triển lãm ôtô lớn nhỏ tại VN thời gian 5 - 6 năm trước đây có rất ít sự xuất hiện của những mẫu xe nhập khẩu, nếu có thì chỉ một vài mẫu mang tính đặc trưng, tiêu biểu cho công nghệ của hãng đó.
Còn hiện nay ư ? Những mẫu xe nhập khẩu luôn áp đảo trong các gian trưng bày. Thậm chí một triển lãm được xem là lớn nhất VN như Motorshow trước đây được xem là nơi quy tụ của riêng các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô tại VN, nhưng hiện nay các Cty, các thương hiệu nhập khẩu lại chiếm đa số, áp đảo các DN và những mẫu xe được lắp ráp trong nước. Xe nhập khẩu với sự đa dạng, phong phú về chất lượng, mẫu mã, thậm chí là giá cả đang thực sự áp đảo sự đơn điệu của các mẫu xe được lắp ráp trong nước.
Thứ hai, trong việc lựa chọn dòng xe chiến lược, bản thân nội bộ các thành viên Vama cũng có những quan điểm trái chiều. Cho dù chưa có sự tổng kết rõ ràng, cụ thể, chi tiết về việc DN nào trong Vama ủng hộ hay phản đối nhưng rõ ràng có ít nhất hơn 1/2 các thành viên không ủng hộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ không ủng hộ ? Phải chăng họ đang muốn cứ kéo dài tình trạng như hiện tại để rồi chờ thời điểm chuyển hẳn sang việc nhập khẩu và kinh doanh xe nhập khẩu là chính, rút lui hoàn toàn khỏi việc lắp ráp, sản xuất trong nước? Dù chưa được khẳng định, nhưng việc tìm hiểu câu trả lời của từng DN thành viên Vama về vấn đề này là điều cần thiết từ phía cơ quan quản lý, bởi họ luôn khẳng định việc ban hành những chính sách liên quan đến ôtô cần tham khảo ý kiến của họ, họ sẵn sàng trả lời.
Nếu không có những thay đổi, việc chuyển hướng từ lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc là điều khó tránh. Khi đó, nền công nghiệp ôtô VN có thực sự đổ vỡ hay không nếu các liên doanh ngừng lắp ráp sẽ được trả lời. Và cũng khi đó, khó có thể khẳng định giá xe nhập khẩu có rẻ hơn hay không vì điều đó phụ thuộc vào chính các DN nhập khẩu.
Nguyên Trân (nguồn: Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)