Công ty TNHH cơ khí đúc Thành Phương xây dựng mô hình trình diễn trong sản xuất đúc kim loại.
Với việc đặt công nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng nhất, thành phố Hải Phòng khuyến khích kinh tế đa thành phần, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng lưới sản xuất vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong chiến lược dài hạn, công nghiệp thành phố phấn đấu tái cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển các nhóm ngành cơ khí chế tạo, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, chế biến xuất khẩu… và công nghiệp hỗ trợ liên quan, đặc biệt là tập trung phát triển sản xuất ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến. Chủ trương tăng tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định đã phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng đã tăng cường hợp tác, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn để đẩy mạnh xã hội hóa khuyến công, khuyến khích, đặc biệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hỗ trợ đào tạo tay nghề, quản lý; cải tiến mẫu mã, bao gói, nâng cao chất lượng sản phẩm; Ưu tiên xây dựng và triển khai các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, nhằm mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động… Dù nguồn kinh phí hỗ trợ cho triển khai các đề án của khuyến công Hải Phòng không lớn nhưng đã tạo động lực đáng kể cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trung tâm đã triển khai thực hiện đúng nội dung, tiến độ đề án được duyệt và các hợp đồng đã ký, đạt mục tiêu, đảm bảo hỗ trợ kịp thời kinh phí tới các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo chất lượng công tác phối hợp, tiến độ thực hiện, hiệu quả của đề án.
Các nội dung chi và thanh quyết toán đề án thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương nơi triển khai đề án; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông qua hoạt động khuyến công đã thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, phát triển công nghiệp nông thôn. Chẳng hạn, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện cho doanh nghiệp thông qua đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới trong sản xuất đúc kim loại”. Hạng mục được hỗ trợ là đầu tư hệ thống xử lý cát tươi và dây chuyền làm khuôn tự động. Đến nay, đề án đã hoàn thành và vận hành ổn định, giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất, tăng đáng kể hiệu quả kinh tế. Đề án cũng đã tạo thêm việc làm cho 36 lao động kỹ thuật tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, Trung tâm xây dựng và thực hiện kế hoạch khuyến công bám sát Chương trình khuyến công quốc gia và chương trình khuyến công thành phố theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công và kiện toàn, duy trì hoạt động mạng lưới khuyến công viên; đồng thời chú trọng lồng ghép các nội dung chương trình khuyến công với các dự án, chương trình mục tiêu khác để thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn;...
Các hoạt động khuyến công sẽ tập trung vào các nội dung sau: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa, công nghệ 4.0 vào các khâu sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ưu tiên xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng, xây dựng các đề án đối với các cơ sở CNNT (trong đó ưu tiên đối với doanh nghiệp, HTX có các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố)…;
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động khuyến công, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công. Tổ chức quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của công tác khuyến công trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về khuyến công của Trung ương và thành phố đã ban hành.