Tại cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây, giám đốc một DN kinh doanh trong lĩnh vực giao thông than thở: Các công trình giao thông đòi hỏi vốn lớn, thường là những khoản vay trung và dài hạn, nhưng lãi suất ngân hàng áp dụng vẫn cao, từ 10-12%, thậm chí cao hơn, quá sức chịu đựng của DN.
Câu chuyện trên không chỉ của riêng một DN mà đang là mối quan tâm của nền kinh tế. Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành ngân hàng trong việc gỡ khó cho sản xuất - kinh doanh của DN trong thời gian qua, nhất là các chương trình hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn về cơ chế tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN vẫn đang lo ngại bởi lãi suất dù có giảm nhưng mới chỉ ở những khoản vay ngắn hạn, thường các gói tín dụng ưu đãi đang được các ngân hàng thương mại đưa ra chỉ giới hạn ở thời gian vay từ 3-6 tháng, trong khi DN cần tiếp sức nhiều hơn để giữ ổn định và phục hồi. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết tháng 9/2014, mặt bằng lãi suất cho vay VND đã giảm 0,5-1,5% so với cuối năm 2013; các khoản vay cũ có lãi suất trên 15% và 13% cũng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 17% tổng dư nợ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm lãi suất hiện tại chưa như kỳ vọng và vẫn đang là rào cản lớn đối với DN. Ông Phạm Huy Hùng - đại biểu Quốc hội (đoàn TP.Hà Nội) - bày tỏ: Với mặt bằng chung lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện nay là 11- 12% thì DN rất khổ. Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội của đoàn TP.Hồ Chí Minh, ông Trần Du Lịch cũng nhận xét: Nếu cứ để lãi suất cho vay trung dài hạn hiện nay ở mức 10-12% thì DN làm ăn được cũng không muốn vay. “Nên mạnh dạn giảm lãi suất cho vay ở kỳ hạn dài để tháo điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng” - ông Lịch nhấn mạnh.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9/2014, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng theo kế hoạch đã đề ra, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng tổng cầu.Ngân hàng Nhà nước “cầm trịch”
Khảo sát vừa được công bố từ cơ quan truyền thông mới đây cho thấy, có tới 75% DN không có nhu cầu vay vốn. Điều này đã phản ánh sức hấp thụ vốn của DN còn yếu. Vì thế, 3 tháng còn lại của năm 2014, áp lực đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14% vẫn đang đè nặng lên vai ngành ngân hàng. Mặc dù lãnh đạo NHNN đã lên tiếng khẳng định khả năng đạt được mục tiêu trên là có thể thực hiện được nhưng để tăng tín dụng ổn định và nhất là hỗ trợ các DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách lãi suất cần có sự thay đổi. Để hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động đang ở mức từ 5-8% tùy từng kỳ hạn nên lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao. “Lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 6-7%/năm, tức là lãi suất huy động phải được đưa về mức 4-5% thì mới kích thích DN vay vốn. NHNN phải “cầm trịch” trong câu chuyện lãi suất. Hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ đang lệch, chỉ giữ cho ngân hàng mà không quan tâm đến lĩnh vực khác” - ông Hùng khẳng định.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đưa ra giải pháp: Ngân hàng Trung ương phải giảm lãi suất tái cấp vốn, đồng thời ngân hàng thương mại cũng phải tiết giảm để lãi suất đầu ra ở mức chấp nhận được. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần cố gắng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5-4% hiện nay xuống còn 2,5-3% để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay.