Dự án Nhà máy Sản xuất Hydrogen xanh NEOM là một trong những dự án nhà máy sản xuất hydrogen đầu tiên và lớn nhất trên thế giới áp dụng phương pháp điện phân sử dụng công nghệ được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Thyssenkrupp (sản xuất hydrogen xanh từ các mô-đun thiết bị điện phân, công suất mỗi mô-đun 20MW). Khi vận hành chạy thử vào năm 2026, Dự án sẽ sản xuất tới 600 tấn hydro không cácbon mỗi ngày, đây là một dự án năng lượng trọng điểm với mục tiêu hiện thực hóa “Tầm nhìn 2030” của Ả-Rập-Xê-Út với kỳ vọng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm thiểu tác động của khí thải các bon trên toàn cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại diện Tổng thầu Thyssenkrupp Nucera, ông Jose Soares- Giám đốc Quản lý thi công khẳng định: “Đây là dự án trọng điểm của Thyssenkrupp Nucera với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chuyển dịch nguồn năng lượng trên thế giới theo xu hướng bền vững và thân thiện với môi trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch cũng như cắt giảm tác động của khí thải các bon”.
Dự án đòi hỏi các yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, an toàn cũng như tiến độ công việc, do đó thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện dự án là rất lớn từ công tác huy động nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng, quản lý tiến độ trong từng bước của quá trình thi công.
Đây là dự án rất đặc biệt và có ý nghĩa lớn với LILAMA. Toàn bộ quá trình từ đàm phán thương thảo hợp đồng, xây dựng và phát triển phương án thực hiện dự án đã được đội ngũ quản lý dự án, kỹ sư kỹ thuật tập trung thực hiện trong gần ba năm. Với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực gia công và lắp đặt cơ khí, LILAMA hoàn toàn tin tưởng dự án sẽ được thực hiện thành công, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiến độ cũng như các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của dự án.
Trước đó, LILAMA đã ký hợp đồng với đối tác Thyssenkrupp Nucera để gia công chế tạo và tổ hợp 02 mô-đun thiết bị điện phân cho dự án Nhà máy Sản xuất Hydro tại West Coast, Hoa Kỳ.
Theo nội dung hợp đồng đã ký, trong thời gian 10 tháng (từ năm 2022-2023), LILAMA sẽ gia công chế tạo và tổ hợp 02 mô-đun thiết bị điện phân. Phạm vi công việc của LILAMA bao gồm việc cung cấp vật tư thép, vật tự điện; chế tạo kết cấu thép, chế tạo ống, sơn kết cấu thép, sơn ống; lắp dựng và tổ hợp kết cấu thép, ống, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, thiết bị điều khiển, bảo ôn; làm sạch và chạy thử toàn bộ hệ thống sau đó tổ hợp theo dạng từng skid và xuất sản phẩm theo điều kiện FOB tại cảng Hải Phòng.
Với việc đã hợp tác thành công các dự án trước đây, Thyssenkrupp Nucera hoàn toàn tin tưởng trong việc tiếp tục cộng tác với LILAMA cho dự án Nhà máy Sản xuất hydro xanh NEOM. “Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với LILAMA. Sau quá trình hợp tác cùng chế tạo 02 mô-đun thiết bị điện phân cho dự án Nhà máy sản xuất hydro tại West Coast, Hoa Kỳ, LILAMA đã khẳng định năng lực, uy tín của doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực. Sự hợp tác giữa hai bên chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao”, ông Jose Soares nhấn mạnh.
Các mô-đun đang được những người thợ LILAMA chế tạo và tổ hợp tại nhà máy chế tạo LILAMA Hải Dương.
Đây là kết quả của nhiều năm tìm tòi, hợp tác, cùng nghiên cứu phát triển dự án với đối tác Thyssenkrupp nucera AG & Co. KGaA, nhà thầu hiện đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển các dự án năng lượng xanh trên thế giới.
Công nhân LILAMA đang gia công chế tạo các Skid cho dự án.
Là một doanh nghiệp hội nhập sâu rộng quốc tế với sở trường là gia công chế tạo, tổ hợp và lắp đặt thiết bị cơ khí thì việc mở rộng thị trường sang các dự án năng lượng xanh, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo tổ hợp các mô-đun thiết bị cỡ lớn cho các nhà máy sản xuất hydro thông qua hợp đồng gia công chế tạo với các bạn hàng quốc tế để dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là bước chuyển mình cần thiết của LILAMA, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.