Trong đó, đã có một số cơ sở, một số doanh nghiệp đã có thương hiệu từ rất lâu trên thị trường nội địa, như: máy công cụ của Công ty TNHH NN 1TV Cơ khí Hà Nội (Công ty Cơ khí Hà Nội); Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo Hải Phòng; thiết bị theo sau máy kéo, thiết bị chế biến nông sản của Công ty Cổ phần A74; thiết bị công nghiệp, thiết bị vận tải thủy của Công ty TNHH 1TV Caric (Công ty Caric); thiết bị và phụ tùng công nghiệp của Công ty Cơ khí Hà Nội; thiết bị ngành sản xuất giấy của Công ty TNHH NN 1TV Cơ khí Quang Trung (Công ty Cơ khí Quang Trung); tàu cuốc, tàu hút bùn của Công ty TNHH NN 1TV Cơ khí Duyên Hải (Công ty Cơ khí Duyên Hải), Công ty Caric; Dụng cụ gia công kim loại của Công ty Dụng cụ, Đá mài của Công ty Đá mài…
Sau ngày thành lập MIE, các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty và Cơ quan Tổng Công ty với tư cách là công ty mẹ, đã không ngừng mở rộng thị trường, đổi mới trang thiết bị để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế. Đến nay, các thiết bị, công nghệ điển hình, tiên tiến nhất của ngành cơ khí Việt Nam vẫn do Tổng Công ty nắm giữ, như:
- Công nghệ luyện gang, thép bằng lò tần số, lò hồ quang;
- Công nghệ làm khuôn đúc Furan;
- Công nghệ nhiệt luyện cao tần, thấm carbon, thấm nito, nhiệt luyện thép gió;
- Công nghệ hàn dày có gia nhiệt tại chỗ bằng khí ga;
- Thiết bị gia công tròn xoay đường kính tới 6,3m, chiều dài tới 12m, thiết bị gia công lỗ với trọng lượng vật gia công tới 50 tấn, thiết bị gia công mặt phẳng (bào phay) lớn nhất Việt Nam;
- Thiết bị có độ chính xác cao sản xuất dụng cụ cắt và đo lường cơ khí.
Nhờ có trang thiết bị và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, trong thời gian qua, MIE đã tham gia với tư cách là nhà cung cấp thiết bị toàn bộ (trong đó Tổng Công ty kết hợp với các doanh nghiệp trong nước sản xuất 70-90% giá trị thiết bị) hoặc tham gia cung cấp một phần thiết bị toàn bộ của một số công trình công nghiệp sau:
* Thiết bị toàn bộ:
- Thiết bị toàn bộ các nhà máy thủy điện công suất tới 1,5 MW/tổ máy;
- Thiết bị toàn bộ nhà máy xi măng công suất 88.000 tấn/năm;
- Thiết bị toàn bộ nhà máy đường 100 tấn mía/ngày;
- Thiết bị toàn bộ nhà máy chế biến mủ cao su công suất 5.000 tấn/năm;
- Thiết bị toàn bộ hệ thống hút bụi, khói thải của nhà máy luyện thép;
- Các lò luyện thép công suất tới 30 tấn/mẻ;
- Thiết bị sản xuất Ô xy già 10.000 tấn/năm;
- Thiết bị xát khô, xát tươi cà phê mọi công suất;
- Thiết bị nhà máy bia công suất 20 triệu lít/năm;
- Thiết bị nhà máy cồn công suất 10.000 tấn/năm;
- Thiết bị toàn bộ nhà máy chế biến thức ăn gia súc, sản xuất phân bón NPK.
* Tham gia vào các công trình thiết bị toàn bộ lớn:
- Thiết bị siêu trường, siêu trọng nhà máy xi măng tới 1,2 triệu tấn/năm. Đặc biệt, sản xuất các chi tiết, cụm chi tiết cho máy nghiền đứng công suất 4.000 tấn/ngày.
- Thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị siêu trường, siêu trọng cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất từ 50 đến 2.400 MW.
- Thiết bị kết cấu thép, một số thiết bị công nghệ cho nhà máy supe phốt phát, chế biến quặng apatit,....
Nhờ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tham gia ngày càng sâu và nhiều hơn vào việc cung cấp thiết bị cho các công trình công nghiệp trong nước nên trong 2 – 3 năm qua, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, MIE vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Năm 2012 doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 1.700 tỷ đồng (trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có trên 500 tỷ đồng), thu nhập bình quân toàn Tổng Công ty đạt 4,85 triệu đồng/người/tháng.
Trong những năm tới, có thể tốc độ phát triển các nhà máy sản xuất công nghiệp không tăng mạnh như thời gian 5-10 năm qua. Tuy vậy, MIE dự báo thiết bị công nghiệp vẫn là một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Chỉ cần đáp ứng 20 – 30% nhu cầu của thị trường này, ngành cơ khí trong đó có MIE đã có thể "kiếm" được đơn hàng trên dưới 1 tỷ USD/năm. Vì vậy, MIE dự kiến đầu tư đổi mới một số thiết bị công nghệ như sau:
- Công nghệ hàn, lốc, uốn: Trang bị (hoặc hợp tác để sản xuất) thiết bị hàn dày 100mm, lốc tôn dày 100mm, uốn ống đường kính ống tới 300mm, dày tới 20mm, thiết bị nắn thẳng,...;
- Công nghệ đúc, luyện kim: Trang bị bổ sung thiết bị đo, kiểm, phân tích nhanh để có thể luyện được 50-70 mác thép, gang các loại;
- Công nghệ gia công cơ khí: Trang bị thiết bị chính xác cho ngành sản xuất dụng cụ cắt gọt kim loại, hàng quy chế. Nếu có đơn hàng, sẽ trang bị thiết bị gia công chép hình, cân bằng động để sản xuất hoặc sửa chữa turbine, máy phát điện công suất lớn.
- Công nghệ làm sạch, sơn phủ cao cấp,...
Tiền đề cho đầu tư bổ sung các công nghệ và thiết bị nói trên là đơn hàng, vì vậy, ngoài việc đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi về đấu thầu, tín dụng, MIE chủ động thâm nhập thị trường bằng các biện pháp sau:
Một là, cùng với các doanh nghiệp cơ khí trong nước nhận nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 600MW. Hiện nay, MIE là một thành viên tích cực của liên danh các nhà thầu sản xuất để xin sản xuất thiết bị này cho một số công trình cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.
Hai là, Hợp tác trong nước và quốc tế, làm tổng thầu cung cấp thiết bị toàn bộ cho các công trình công nghiệp vừa và nhỏ như cải tạo nhà máy xi măng lò đứng thành lò quay công suất tới 500.000 tấn/năm (MIE đã cải tạo thành công nhà máy xi măng lò đứng thành lò quay của Nhà máy Xi măng X77, nhà máy xi măng Lạng Sơn 350.000 tấn/năm), các nhà máy chế biến bột và sản xuất giấy, chế biến mủ cao su, cà phê, sản xuất cồn, xăng sinh học và chất phụ gia thực phẩm Sorbitol từ sắn (Hiện nay, MIE đang làm tổng thầu cung cấp thiết bị toàn bộ nhà máy sản xuất Sorbitol Tây Ninh công suất 30.000tấn/năm với giá trị gần 500 tỷ đồng (25 triệu USD).
Ba là, Liên kết với các công ty nước ngoài cung cấp một phần thiết bị cho các công trình công nghiệp lớn như lọc hóa dầu, nhiệt điện, hóa chất,...
Bốn là, chủ động cung cấp phụ tùng, tham gia sửa chữa lớn các nhà máy đã và đang hoạt động thuộc các ngành công nghiệp như xi măng, thủy điện, nhiệt điện, hóa chất, chế biến nông sản,... (MIE đã tham gia sửa chữa lớn Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại, cung cấp hàng trăm tấn phụ tùng/năm cho các nhà máy xi măng, sản xuất mía đường, sản xuất giấy,...)
Trong phát triển công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng, câu chuyện "Quả trứng có trước hay con gà có trước" (Đầu tư trước hay đơn hàng trước) vẫn là đề tài chưa có hồi kết. Bằng thực tế của mình, MIE thấy rằng, đối với sản xuất sản phẩm tiêu dùng với số lượng lớn như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí máy kéo, động cơ diesel, ô tô, việc đầu tư có thể có trước (tạo ra sự khác biệt hoặc vượt trội nhằm thâm nhập, chia sẻ thị trường) nhưng đối với thiết bị các ngành công nghiệp lớn không thể và không nên làm như vậy vì độ rủi ro rất cao. Chúng tôi có thể nêu ví dụ sau đây:
Nhờ sự can thiệp của Nhà nước (Bộ, Chính phủ) trong 9 năm làm thiết bị cơ khí thủy công, MIE đã sản xuất gần 30.000 tấn, đạt doanh số trên 1.500 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động trong khi MIE chỉ phải đầu tư bổ sung khoảng 50 tỷ đồng. Vì vậy, sau 7 năm về cơ bản, các thiết bị bổ sung này đã thu hồi vốn. Tất nhiên, với tổng số vốn đã đầu tư của toàn ngành cơ khí trên dưới một tỷ USD (không kể đất), chưa bằng vốn đầu tư một nhà máy cơ khí nặng của Hàn Quốc thì việc cạnh tranh là rất khó khăn. Nhưng cũng chính vì vậy, ngành cơ khí rất cần bàn tay hữu hình của Nhà nước để tạo ra đơn hàng. Có đơn hàng trước, đầu tư sau thì chắc chắn sẽ hiệu quả và tránh được rủi ro cho doanh nghiệp (thực chất là cho Nhà nước).
Với sự nỗ lực thâm nhập thị trường, đổi mới công nghệ, thiết bị và sự hỗ trợ về đơn hàng của Nhà nước, MIE tự tin có thể từng bước phát triển, tham gia ngày càng nhiều hơn vào xây dựng các công trình công nghiệp của Nhà nước.