Sự kiện - Vấn đề

Mở Diễn đàn thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng động lực phía Bắc

10/04/2023 00:04
1012 Lượt xem
TCCKVN Chiều ngày 10/4/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quân khu 3 TP. Hải Phòng, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng VCCI Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, phát triển, bứt phá Vùng động lực phía Bắc”.

Gần 200 đại biểu tham dự Diễn đàn.

Các đại biểu dự Diễn đàn.

Diễn đàn lần này, với sự tham dự của các diễn giả, chuyên gia uy tín như: TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính); TS. Đỗ Minh Thụy - Trường Đại học Hải Phòng; Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM); Đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; nhiều sở, ngành của TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành trong Vùng. Diễn đàn thu hút sự quan tâm tham dự của đại diện gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong Vùng và trên 20 cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương.

TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 3 hạt nhân là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Tỉnh Quảng Ninh - là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Phát huy tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển. Nhờ đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm. Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong Vùng đều đạt và vượt dự toán. Từ năm 2017, tất cả 7 địa phương trong Vùng đều có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước. TP Hà Nội, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu lớn nhất nước.

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với không ít thách thức như: chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; năng lực đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh của các địa phương trong Vùng chưa đồng đều; liên kết giữa các địa phương trong Vùng chưa thực chất có chiều sâu.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng. Năm vừa qua, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế, trong đó có Vùng động lực phía Bắc (gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội mới, động lực mới cho các địa phương trong Vùng chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, mỗi vùng động lực đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước rất cần thiết phải có các cơ chế, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhẫn mạnh: các tỉnh thành nằm trong vùng kinh tế động lực, có sứ mệnh là tạo ra động lực, khả năng cạnh tranh Quốc tế. Các doanh nghiệp trong vùng này nên phát triển theo hướng đi nhân văn, bền vững. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến chuyển đổi số. Coi việc chuyển đổi số là một “hệ sinh thái”. Điều đáng nói và trở ngại lớn nhất của chuyển đổi số là, nhiều doanh nghiệp lo ngại đó là vấn đề tiền bạc, nhưng thực chất không phải vậy. Chuyển đổi số thực tế là nhận thức, là cách tiếp cận. Chuyển đổi số, các doanh nghiệp không phải lo quá nhiều đến chuyện đầu tư tiền bạc, mà chúng ta chỉ việc lo đến chuyện tìm thuê dịch vụ công nghệ số, mà việc thuê dịch vụ công nghệ số giá lại rất rẻ...

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu.

Cũng về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chúng ta thường nói: “Khoa học Công nghệ”, là động lực phát triển, nhưng thực tế các quỹ cho vấn đề này chúng ta chi chưa hết mà nhiều khi chi chưa hết đã lên kế hoạch thu cho năm sau. Mặt khác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, vấn đề này Quảng Ninh sử dụng khá tốt. Nên phát triển theo hướng và xu thế năng lượng xanh, cái quan trọng là thể chế để tạo động lực cho sự phát triển.

TS. Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu.

Về dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính bộc bạch:

Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ gồm 07 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước; có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng KTTĐ, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31% của cả nước, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Theo Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế làm nhân tố để phát triển vùng KTTĐ. Trong đó xác định Phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung vào Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dọc theo các hành lang quốc lộ 5 và quốc lộ 18, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế. Do đó, cần phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển vùng động lực phía Bắc.

Nhìn chung hiện tại vẫn chưa có cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách chung cho toàn vùng động lực phía Bắc; tuy nhiên, các địa phương trong vùng có cơ chế chính sách tài chính đặc thù. Hà Nội: Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/ 6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Theo Nghị quyết, Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố bao gồm phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%...

Ngoài ra, Quốc hội cho phép Hà Nội được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hải Phòng: nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

Theo đó, về tài chính - ngân sách nhà nước: Hải Phòng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng. Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Quảng Ninh: Quyết định số  2428/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh được thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng trên cơ sở mô hình Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước của Tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ưu tiên vận động và thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho một số dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tỉnh Quảng Ninh như: Dự án Bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long; phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Được xem xét hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với một số công trình hạ tầng quan trọng của Tỉnh...

TS. Đỗ Minh Thụy, Trưởng khoa Kinh tế và QTKD - Trường Đại học Hải Phòng phát biểu.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Đỗ Minh Thụy, Trưởng khoa Kinh tế và QTKD - Trường Đại học Hải Phòng bàn về chủ đề Vùng động lực phía Bắc Thời cơ và thách thức:

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Chính phủ đã lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tứ giác thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang (bao gồm cả Phú Quốc) với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam trong vùng động lực phía Bắc hiện nay đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn làm “đầu kéo”, nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị mới từ khu vực FDI, từ đối tác nước ngoài khác. Rất ít các doanh nghiệp trong vùng đủ điều kiện trở thành đối tác tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam trong vùng chưa phát huy hiệu quả các thế mạnh vốn có, để lỡ nhiều cơ hội phát huy hiệu ứng “lan tỏa” từ khu vực FDI trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc hình thành vùng động lực phía Bắc là nhằm thúc đẩy, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh trong nước phát triển, mở ra cơ hội phát triển thị trường trong và ngoài nước. Trong điều kiện đó, tái cơ cấu kinh tế hướng trọng tâm vào tái cấu trúc mô hình liên kết của các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng nội địa, nhất là chuỗi cung ứng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tham gia (điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, da giầy, chế biến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gỗ, cơ khí chế tạo, máy nông nghiệp, lúa gạo, thủy hải sản các loại, các loại rau quả nhiệt đới...). Doanh nghiệp Việt trong vùng cũng còn nhiều dư địa tham gia vào các quá trình dịch chuyển vốn đầu tư, lao động, công nghệ... hay trở thành đối tác của mô hình hợp tác “công - tư” (PPP) về đầu tư lĩnh vực hạ tầng cơ sở địa phương (giáo dục, y tế, giao thông, điện, thủy lợi...).

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Tại Diễn đàn nhiều nội dung đã được các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi như: Thời cơ và thách thức Vùng động lực phía Bắc; động lực mới cho quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển Vùng động lực phía Bắc; các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội Vùng; Hoàn thiện thể chế để Vùng đổi mới, bứt phá.

Các nội dung được thảo luận, phân tích tại Diễn đàn đều là những ý kiến, đề xuất mang tính xây dựng, cung cấp nhiều góc nhìn, kiến nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… gửi tới các cơ quan quản lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch, đưa Vùng động lực phía Bắc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lê Hiệp

Có thể bạn quan tâm

Đại hội IV Tổng hội Cơ khí Việt Nam: Xây dựng khát vọng vươn lên, hướng đến nền cơ khí hiện đại

Với tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội lần thứ IV của Tổng hội Cơ khí Việt Nam đã thành công tốt đẹp, mở ra một chặng đường phát triển mới với nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xây dựng ngành cơ khí Việt Nam ngày càng hiện đại, tự chủ và hội nhập sâu rộng.

Manufacturing Binh Duong 2025 – Cơ hội kết nối và đón đầu công nghệ ngành cơ khí chính xác & sản xuất chế tạo

Manufacturing Binh Duong 2025 – Triển lãm Quốc tế về Cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo được tổ chức lần đầu tiên tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC EXPO, Bình Dương từ ngày 15/4 đến ngày 17/4.

Quý 1/2025: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2025 ước tính tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý 1 kể từ năm 2020 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%...

Mở cuộc thi báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” lần thứ 7

Chiều 3/4, tại Nhà hát lớn Hải Phòng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng tưng bừng tổ chức Lễ phát động Giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” lần thứ 7 với chủ đề Hải Phòng - Thành phố thân thiện.

Vietnam Expo 2025: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

Sáng 02/4 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 34 (Vietnam Expo 2025). Hội chợ thu hút sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quy mô trên 500 gian hàng.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top
  • POLASLOT138 POLASLOT138 LOGIN POLASLOT138 ALTERNATIF RECEH88 RECEH88 LOGIN RECEH88 ALTERNATIF RUPIAH138 RUPIAH138 LOGIN RUPIAH138 ALTERNATIF