TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng cho biết, tại Hải Phòng có 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (19 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, 11 doanh nghiệp).
Nhìn chung, cả số lượng và chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở thành phố đạt gần 40%. Đây là con số khá khiêm tốn.
Trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, thành phố cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hiện tại cho phù hợp với nhu cầu phát triển.
PGS.TS. Lê Quốc Tiến, Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng.
PGS.TS Lê Quốc Tiến, Trưởng ban Văn hóa, Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đề dẫn: thành phố còn thiếu lao động kỹ thuật lành nghề, thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành để phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Một số ngành nghề doanh nghiệp có nhu cầu song thành phố chưa có cơ sở đào tạo hoặc chưa có chương trình đào tạo theo lộ trình.
Bà Phạm Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, Sở tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Giao dịch việc làm của thành phố.
Theo bà Phạm Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng, với mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, gắn với giải quyết việc làm, đào tạo, cung cấp lao động có tay nghề cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và đất nước, ngành Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã có văn bản đề xuất các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về đào tạo nghề. Thực tế, đây vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu góp phần giải quyết việc làm theo hướng lâu dài, nâng cao thu nhập, năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội…
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Giao dịch việc làm của thành phố để cập nhật thông tin về nhu cầu cung cầu lao động, làm cơ sở định hướng đào tạo nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm theo nhu cầu thị trường.
GS. TS. Trần Hữu Nghị, Chủ tịch Hội đồng Trường Quản lý và Công Nghệ Hải Phòng: Hải Phòng là một trong những trung tâm giáo dục đào tạo lực lượng lao động lành nghề cho trên 100 nghề.
Hiện tại, Hải Phòng là một trong những trung tâm giáo dục đào tạo lực lượng lao động lành nghề cho trên 100 nghề, trong đó có 63 lượt nghề trọng điểm, 21 nghề cấp độ quốc tế, 13 lượt nghề cấp độ khu vực ASEAN và 29 lượt nghề cấp độ quốc gia; trong thời đại 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự phát triển của loài người. Nắm được quy luật này, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Vì vậy, chính quyền các cấp phải quyết tâm phát triển nguồn nhân lực kinh tế biển… thông qua việc ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách cho hoạt động này.
ThS. Cao Anh Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng cho biết, Trường được phép tuyển sinh và tổ chức đào tạo 9 ngành, nghề.
Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng cho rằng: Sau 62 năm hoạt động, trường đã đào tạo khoảng 5 vạn kỹ thuật viên cho ngành công nghiệp thành phố Hải Phòng và các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Nhân lực do Nhà trường đào tạo đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa, kinh tế xã hội của thành phố cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Trường được phép tuyển sinh và tổ chức đào tạo 9 ngành, nghề. Trong đó 8 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng; 7 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp; 9 nghề đào tạo trình độ sơ cấp. Quy mô tuyển sinh, đào tạo 1 năm 635 HSSV, trong đó: Cao đẳng 265, trung cấp 190 sơ cấp 180; 3 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Điện tử công nghiệp) và 02 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN (Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí), 2 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia (Hàn, Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính); Thành phố cần sớm hoàn thiện Dự án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, hoàn thiện cơ chế chính sach riêng, có tính chất đột phá. Tiến tới giao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở về nhân sự, tài chính, tổ chức đào tạo…
KS Ngô Huy Hải, Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Sơn Hải Phòng.
KS Ngô Huy Hải, Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Sơn Hải Phòng cho rằng: Công nghệ 4.0 ra đời một loạt công nghệ mới; sự ảnh hưởng của công nghệ tới lao động nghề, công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc đang làm thay đổi các quan niệm về truyền thông; nghề nghiệp mới cho phép nhiều người có được thời gian làm việc chủ động hơn, linh hoạt hơn. Theo thống kê, hiện nay có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu sử dụng nguồn nhân công lao động thấp. Phần lớn các doanh nghiệp đang ở giai đoạn của nền cách mạng công nghiệp 2.0-3.0, đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp cũng phải tiến hành thay đổi để bắt kịp thời đại.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề như tiếp tục tuyên truyền, hướng nghiệp để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, doanh nghiệp về vai trò, thế mạnh của lao động học nghề. Cần tập trung đầu tư nguồn lực, chuẩn hóa các điều kiện để nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều đáng nói nhất, là cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn về các giải pháp để tăng cường gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp trong đào tạo, để các học viên sau khi học có được tay nghề tốt và có việc làm ngay.