Máy kéo lúa của cơ sở cơ khí Quốc Hùng (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu
Nhiều trở ngại
Những năm gần đây, DN sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước. Thông qua chính sách về khuyến công, khoa học - công nghệ, các DN này đã được hỗ trợ toàn diện cả về đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số DN, riêng việc thực hiện nội dung hỗ trợ áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến như Kaizen, Lean nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gặp rất nhiều trở ngại. Ông Lê Huy Điệp - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quyết Tiến (Nam Định) - cho hay: Khó nhất là ý thức tuân thủ kỷ luật của lao động nông thôn rất kém.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nhài - Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương (tỉnh Thái Nguyên) - cho rằng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào người lao động chứ không chỉ riêng chủ DN. Trong quá trình phát triển cũng như áp dụng các phương pháp quản lý sản xuất tiên tiến, HTX Tân Hương gặp phải rất nhiều rào cản từ nhận thức của người lao động. HTX từng đầu tư ứng dụng một số thiết bị hiện đại vào sản xuất nhưng do trình độ thấp, người lao động không vận hành được máy móc buộc HTX đã phải mất thêm chi phí, thời gian đào tạo.
Có thể thấy, việc áp dụng các phương pháp quản lý nhằm tăng năng suất, chất lượng của các DN CNNT đang gặp trở ngại lớn từ ý thức và trình độ của người lao động. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trở ngại này còn tới từ nhận thức của chính chủ DN bởi với quy mô nhỏ, sản xuất bán công nghiệp là chủ yếu, các cơ sở phải lo vấn đề chi phí, doanh thu trước mắt nên chưa chú trọng tới vấn đề này.
Thay đổi tư duy
Theo các chuyên gia, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trở thành "không thể thiếu" của các DN CNNT, trước hết, chủ DN phải thay đổi tư duy, sau đó mới tới sự tuyên truyền thay đổi nhận thức của người lao động.
Sau nhiều năm tìm tòi giải pháp và đã đạt được một số hiệu quả nhất định trong việc nâng cao ý thức của người lao động là nông dân, bà Nguyễn Thị Nhài chia sẻ: HTX Tân Hương đã chia thành hai nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một nhóm trưởng chịu trách nhiệm. Thông qua các chương trình hỗ trợ từ khuyến công, khoa học - công nghệ, HTX đã chuyển giao công nghệ, tổ chức tập huấn nhằm thay đổi dần thói quen sản xuất của bà con.
Đặc biệt, để người nông dân gắn bó với HTX, cần phải có cơ chế, gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ. Theo đó, bà con mua cổ phần và được HTX bao tiêu đầu ra. Như vậy vừa khuyến khích được bà con sản xuất, vừa tạo được vùng nguyên liệu chất lượng tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho HTX.
Tuy nhiên, "HTX chè Tân Hương cũng như các DN CNNT khác còn nhỏ về quy mô, năng lực tài chính hạn chế nên rất cần các bộ, ban, ngành ưu tiên tổ chức tập huấn cho người lao động về chính sách pháp luật, vai trò của năng suất, chất lượng trong phát triển bền vững; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…" - bà Nhài đề xuất.
Thu Uyên (nguồn: Theo Việt Nga http://baocongthuong.com.vn)