Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Năng suất lao động được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm.
Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam có những cải thiện đáng kể trong 10 năm gần đây. Ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.
Năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%.
Dù đã được cải thiện, song năng suất lao động Việt Nam vẫn khá thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất làm việc của lao động của Việt Nam chỉ bằng 11% Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24% của Nhật Bản... Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Một trong những trụ cột để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là duy trì tăng trưởng cao dựa trên thúc đẩy năng suất lao động, nuôi dưỡng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế gắn với độc lập, tự chủ.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế, thay vào đó nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ giải quyết bài toán về tăng năng suất lao động cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá.
Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn (2021-2030) trên 6,5%/năm. Do đó, việc xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, đồng thời góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động hướng tới mục tiêu coi năng suất lao động là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; từ đó góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.