Nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp không cạnh tranh được với hàng hóa, máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, có chất lượng thấp hơn và giá rẻ hơn nhiều. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là giá thành sản xuất các mặt hàng này tại Việt Nam vẫn cao. Các doanh nghiệp muốn đầu tư mới thì hết tài sản thế chấp. Nhiều doanh nghiệp đã có máy móc, thiết bị, đội ngũ công nhân, thị trường, nhưng nhà xưởng phải đi thuê nên không vay được vốn. Trong khi đó, quỹ bảo lãnh tín dụng chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, theo hình thức thế chấp bằng tài sản được hình thành trong quá trình đầu tư.
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ, cơ khí của Việt Nam đa phần là DNNVV đang phải đối diện với nhiều thách thức, như thiếu chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản, thiếu sản phẩm chủ lực, chậm đổi mới công nghệ, đầu tư dàn trải để chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. TP. HCM đã có cơ chế chính sách cho công nghiệp hỗ trợ, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng khá thấp, do chính sách thay đổi quá nhanh và thiếu nhất quán, thiếu thông tin và tư vấn kịp thời… Cái khó bó cái khôn, doanh nghiệp không biết “gõ” cửa kêu ai, do có quá nhiều cơ quan quản lý!
Trước thực trạng trên, thay mặt Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM, tôi kiến nghị chính quyền thành phố cần nhanh chóng lập cụm công nghiệp cơ khí – điện với quỹ đất sạch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, điện nước để cho doanh nghiệp thuê với giá thuê thấp (mỗi doanh nghiệp chỉ cần 5.000 m2 đất để xây 3.000m2 nhà xưởng). Các lực lượng quản lý thị trường, hải quan, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương… cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Ngoài ra, cần có cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị mới được thế chấp bằng tài sản hình thành trong quá trình đầu tư.
Riêng với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi kiến nghị Sở Công Thương TP.HCM kêu gọi sự hỗ trợ của các nước Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, khối EU… nhằm đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, tận dụng nguồn lực quốc tế để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí và điện đều tha thiết mong mỏi Nhà nước xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất chính cũng như doanh nghiệp lắp ráp, nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu của nhau.
Minh Khôi (nguồn: theo Lã Thị Lan, http://dddn.com.vn)