Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 đã diễn ra ngày 28/7/2023, tại tỉnh Quảng Ninh nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tiếp tục được duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như của cả nước.
Năm 2022, 23/28 tỉnh, thành phố trong Khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 7,4%. 06 tháng đầu năm 2023, 16/28 tỉnh, thành phố có mức phục hồi trên 100% so với cùng kỳ năm 2022, là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022 (mức phục hồi của cả nước là 98,8% so với cùng kỳ năm 2022). Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành.
Về thương mại nội địa: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 của Khu vực đạt 1.954 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2021, gần bằng mức tăng bình quân cả nước (+21,67%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Khu vực đạt 1.300 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (+10,8%). 6 tháng đạt 1.300 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2022.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực đạt 214,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 57,79% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 12% so với năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (+10,05%). 6 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 98,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 93,2 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, còn một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò là tỉnh đầu tàu trong dẫn dắt, kết nối phát triển giữa các tỉnh trong khu vực. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với cùng kỳ, đứng thứ 2 Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, ngành công thương đã đóng góp trên 5,35 điểm % GRDP; thu ngân sách ngành công thương đạt 14.546 tỷ đồng, bằng 51% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 50,2% trong GRDP; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 73.865 tỷ đồng, tăng 16,64%, cao hơn 0,17 điểm % so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1.300 triệu USD, giải quyết việc làm cho 15.686 lao động.
Tỉnh Quảng Ninh xác định, ngành Công Thương luôn là ngành chủ lực, nhiều tiềm năng của tỉnh. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục gắn bó với ngành Công Thương, Bộ Công Thương, phát triển đồng hành với sự phát triển của địa phương.
Đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, trong 6 tháng năm 2023 khu vực đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của ngành Công Thương. Song, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu; nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.
Hội nghị đã thống nhất và trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Bắc lần thứ X năm 2024 cho thành phố Hà Nội; đồng thời tổ chức trao tặng Bằng khen của Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2017-2022.