Khu vực phía Bắc nước ta gồm 28 tỉnh, thành phố; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu vực là 150.058,5 km2, chiếm 45,28% diện tích tự nhiên của cả nước; tổng dân số 44,93 triệu người, chiếm 45,17% dân số cả nước, mật độ dân số trung bình 299 người/km2 và có 3 vùng: Vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ, các vùng này có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Quang cảnh Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.
Tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 diễn ra ngày 17/5, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được một số thành tựu nổi bật là:
Về sản xuất công nghiệp, năm 2023, 19/28 tỉnh, thành phố trong Khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 1,5%. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành. Ước 06 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố có những đóng góp tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên.
Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn khu vực năm 2023 đạt 2.602 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 41,8% của cả nước, tăng 16,7% so với năm 2022, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,6%). Có 26/28 địa phương trong vùng có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước; 13/28 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn vùng.
6 tháng đầu năm 2024, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Khu vực ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Như vậy, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm.
Về xuất khẩu, năm 2023, đạt 221,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2022, cao hơn mức giảm 4,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 06 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương thông qua kết quả tích cực công nghiệp, thương mại đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu kết luận Hội nghị.
Thứ trưởng khẳng định, năm 2023 cả nước tăng trưởng âm nhưng 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giữ được sức tăng trưởng ổn định, thậm chí có những chỉ tiêu vượt trội. Đây là kết quả đáng ghi nhận và tiếp tục thể hiện trong kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2024.
Tạo ra dư địa và xung lực mới
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ rõ, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện trạng phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc còn tồn tại những thách thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương trong thời gian tới.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, các địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt là chủ trương liên quan đến quy hoạch quốc gia, vùng, ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Các địa phương cần chú ý tới tính tương thích và đồng bộ giữa các quy hoạch.
Các địa phương tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương phát triển.
Chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung. Bộ Công Thương quyết tâm trong thời gian tới không để tái diễn tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch triển khai quy hoạch. Để thực hiện, các địa phương trong khu vực cùng phối hợp triển khai, trong đó bao gồm cả triển khai phát triển hệ thống điện ở khu vực biên giới, hải đảo, phấn đấu phủ điện 100% ở vùng sâu, vùng xa.
Tiết kiệm năng lượng cũng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ sử dụng mà còn ở việc động viên khuyến khích sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Yếu tố này liên quan chặt chẽ đến ngành sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn sản xuất, lưu thông trong ngành Công Thương cũng rất quan trọng. Đề nghị Sở Công Thương các địa phương thường xuyên giám sát kiểm tra tại cơ sở, “phòng” sẽ được nhiều hơn “chống”.
Với các hoạt động khác liên quan đến hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu khu vực biên giới…đã được các địa phương kiến nghị, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị và sẽ nghiên cứu hướng dẫn xử lý. Riêng với thủ tục hành chính, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên cả kênh thương mại truyền thống và kênh thương mại điện tử.
Lãnh đạo Bộ Công Thương trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025 cho Sở Công Thương tỉnh Hà Giang.