Trong khi đó, chủ một nhà máy sản xuất ống thép phía Bắc lên tiếng ca thán: "Lẽ ra thời điểm này cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sao lại tăng giá điện khiến doanh nghiệp càng thêm bế tắc".
Trước tình trạng này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần có một lộ trình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sắt thép, xi măng áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng điện. "Nếu áp dụng ngay từ 1/7 sẽ gây áp lực rất lớn. Tôi tin chắc nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản", ông nói.
Các doanh nghiệp sản xuất nói chung cũng đang lo lắng nếu dự thảo được thông qua, bởi biểu giá điện có thể tăng từ 2 - 7% tùy theo từng mức cấp điện áp.
Chủ một nhà máy sản xuất gạch tại Hoàng Mai, Hà Nội than phiền: "Doanh nghiệp hiện nay không bán được hàng mà còn phải gánh thêm chi phí tiền điện nữa thì có lẽ phải giảm công suất để duy trì hoạt động". Việc này sẽ kéo theo thu nhập của hàng chục lao động của nhà máy bị ảnh hưởng, ông cảnh báo.
Rơi vào cảnh éo le hơn, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thép bộc bạch, sản xuất thép đòi hỏi chạy máy liên tục, công suất lớn nên sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng. Song, doanh nghiệp không thể cho máy dừng giữa chừng vì "tiền điện cao quá" mà phải sản xuất theo đúng đơn đặt hàng.
Ngoài ra, một chuyên gia trong ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay, điều chỉnh giá điện sản xuất nói chung và với ngành thép nói riêng sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của Việt Nam, sau khi đã có phàn nàn về chi phí lao động không còn rẻ nữa. "Giá điện tăng thì nhà đầu tư sẽ không vào", vị này nói.
Với giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, Bộ Công thương cũng có sự thay đổi về khung và bậc thang tính toán giá điện. Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây chính là một "chiêu thức mới" để tăng giá điện mà không cần công bố, gây hoang mang, bởi quy định chỉ là "điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện".
Điều này cũng dễ hiểu vì năm nay giá than bán cho điện đã tăng, ngành điện cuối năm 2012 cũng đã kêu phải tăng giá 7% trong năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện được, do vậy họ cần phải tăng giá để trang trải chi phí, ông nhận định.
Dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến lần 3, nếu không có nhiều thay đổi, từ 1/7/2013 văn bản này sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, kể cả giá điện bán lẻ điện bình quân giữ nguyên mức 1.437 đồng/kWh như hiện nay, giá điện cho sản xuất, hộ gia đình dùng dưới 150 kWh mỗi tháng cũng tăng theo. "Việc giá điện tăng sẽ tạo nên sức ép với giá cả các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, cộng với giá y tế, giáo dục thời gian tới chắc chắn sẽ tăng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay.
Giãi bày đã làm mọi phép tính và gửi các tài liệu đi khắp nơi, ông Cường khẳng định ngành thép "không ăn tàn phá hại" đến mức bị liệt thành đối tượng riêng, đối xử "không bình đẳng" so với các ngành khác. Hiện nay sản xuất phôi tiêu thụ nhiều điện nhất, chiếm khoảng 6% giá thành, còn các ngành gia công ống thép, thép cán, tráng tôn mã kẽm... chỉ tiêu tốn khoảng 100 - 120 kWh mỗi tấn, tương ứng khoảng 1% trong giá thành, lãnh đạo VSA cho biết.
Do đó, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ đề xuất áp mức giá điện riêng cho ngành thép vì các ngành phải được bình đẳng như nhau. "Nếu ngành thép chết thì rất nhiều ngành khác cũng sẽ bị liên lụy, bởi đây là lĩnh vực ảnh hưởng đến ngành xây dựng, sản xuất đồ dùng sinh hoạt", ông cảnh báo.
Thủy Minh (nguồn: theo Huyền Thư, vnexpress.net)