NCS Hoàng Xuân Tứ trình bày luận án.
Luận án của NCS Hoàng Xuân Tứ thuộc chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, mã số 952.01.03, do GS,TS. Vũ Ngọc Pi và PGS,TS. Lê Thu Quý hướng dẫn khoa học. Sau khi nghe NCS trình bày luận án và trả lời các câu hỏi phản biện, Hội đồng đã thảo luận và thống nhất đánh giá, đề tài có tính cấp thiết và tính mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nội dung nghiên cứu của luận án chưa thấy trùng lặp cho đến nay với các luận án, công trình đã công bố trong và ngoài nước.
Về mặt khoa học, luận án xác định ảnh hưởng của các thông số đầu vào đến các chỉ tiêu đầu ra và đưa ra được các chế độ PMEDM hợp lý đạt các đơn mục tiêu đầu ra là tốt nhất khi sử dụng bột SiC trong gia công xung tia lửa điện điện cực đồng cho chi tiết dạng trụ vuông bằng thép SKD11; Đặc biệt là ảnh hưởng của các thông số về kích thước hạt và nồng độ bột đến từng đơn mục tiêu đầu ra và hàm đa mục tiêu cho thấy hiệu quả của bột trong nâng cao chất lượng gia công. Luận án cũng tìm ra được các giá trị cụ thể, hợp lý của 06 thông số: cường độ dòng điện, điện áp, thời gian phát xung, thời gian ngừng phát xung, nồng độ bột SiC và kích cỡ hạt bột đến đơn mục tiêu đầu ra và hàm đa mục tiêu, nâng cao chất lượng và hiệu suất gia công.
Ý nghĩa thực tiễn, luận án có thể được sử dụng để tham khảo và áp dụng gia công các chi tiết có dạng trụ định hình như chầy dập thuốc viên định hình, các chầy đột dập định hình thép tấm mỏng có biên dạng phức tạp và khó gia công, nâng cao hiệu quả kinh tế - kỹ thuật. Luận án cũng có thể sử dụng tham khảo cho các nghiên cứu khoa học, đào tạo trong lĩnh vực EDM nói chung và PMEDM nói riêng.
Những kết quả mới đã đạt được của luận án, đó là khẳng định tính khả thi và hiệu quả của phương pháp gia công PMEDM khi gia công các chi tiết dạng trụ định hình vuông bằng vật liệu SKD11 qua tôi, sử dụng dung dịch điện môi có trộn bột SiC và điện cực đồng. Đây cũng là dạng chi tiết gia công chưa được đề cập đến trong những nghiên cứu trước đây. Kết quả đã xác định được chế độ PMEDM hợp lý cụ thể nhằm đạt được tỉ số giữa tốc độ bóc tách với mòn điện cực, đồng thời đảm bảo nhám bề mặt là tốt nhất bao gồm: mật độ hạt 2 g/l, kích cỡ hạt 1000 nm, thời gian phát xung 30 μs, thời gian ngắt xung 20 μs, dòng điện 4 A, điện áp 5 V. Tác giả đã đưa ra mô hình dạng mòn của điện cực khi gia công các chi tiết dạng trụ định hình ngoài khi xung, là cơ sở để áp dụng phương pháp này vào thực tế trong việc đảm bảo độ chính xác hình dạng và kích thước gia công và giảm chi phí điện cực.
PGS,TS. Đào Duy Trung, Thư ký Hội đồng đọc Biên bản họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Hoàng Xuân Tứ.
Hội đồng đánh giá, luận án của NCS Hoàng Xuân Tứ có bố cục hợp lý, các chương mục rõ ràng, trình bày logic theo đúng các quy định. Phương pháp và thiết bị nghiên cứu đã sử dụng mới, có tính hiện đại; các số liệu thực nghiệm và tính toán là thuyết phục, có đủ độ tin cậy. Các nội dung nghiên cứu và kết quả của luận án đã được công bố ở 05 bài trên các tạp chí và hội nghị chuyên ngành có uy tín, trong đó 01 bài báo quốc tế (SCOPUS Q3) và 04 bài báo quốc tế trong nước (SCOPUS Q4), trong đó 01 bài đã chấp nhận đăng, chờ online, đạt yêu cầu.
Luận án là một công trình khoa học có khối lượng và chất lượng nghiên cứu đủ đáp ứng yêu cầu, có tính mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. 100% thành viên hội đồng nhất trí đề nghị Viện Nghiên cứu Cơ khí Quyết định công nhận và cấp bằng Tiến sĩ, ngành Kỹ thuật Cơ khí cho NCS Hoàng Xuân Tứ.
Hội đồng chúc mừng NCS Hoàng Xuân Tứ bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ
Tân Tiến sĩ Hoàng Xuân Tứ tặng hoa tri ân hai thầy hướng dẫn khoa học
Tân Tiến sĩ Hoàng Xuân Tứ chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp, người thân.
Trong niềm vui và xúc động, NCS Hoàng Xuân Tứ đã tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể giảng viên hướng dẫn khoa học, gửi lời cảm ơn đến Hội đồng chấm luận án cũng như sự quan tâm của Trung tâm Đào tạo cùng đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nguồn động viên và cổ vũ tinh thần lớn lao để NCS thực hiện và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.