Để giúp đồng bào các DTTS cải thiện cuộc sống, hội nhập với trình độ phát triển chung của cả nước, đồng thời đảm bảo an ninh, ổn định chính trị quốc gia, Đảng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách này có những tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng dân tộc, đời sống đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện. Trong đó, chính sách tín dụng với các ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thủ tục vay vốn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.
Tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, kịp thời
Trong những năm qua, đã có rất nhiều nguồn lực từ trung ương và địa phương góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nguồn lực vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là nguồn lực rất thiết thực và phù hợp với ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian cho vay, quy trình thủ tục, phục vụ người dân ngay tại địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong đó có đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Các chương trình tín dụng chính sách có thể kể đến, như: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg; Chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg giai đoạn 2017 - 2020;…
Ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ DTTS, số hộ DTTS có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, đảm bảo cho hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững. Các chương trình cho vay đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương. Đặc biệt, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
NHCSXH đã huy động các nguồn lực, đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người vay, nâng cao chất lượng tín dụng; đã hình thành mô hình tổ chức quản trị đặc thù và hiệu quả, từ Hội sở chính xuống tới các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản. Hội đồng quản trị được tổ chức đến cấp huyện, có sự tham gia của các chủ tịch xã. Bộ máy điều hành được xây dựng gọn nhẹ; công tác quản lý tín dụng chính sách có nhiều đổi mới. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% các khóm, ấp, làng, đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hạn chế các tiêu cực phát sinh, tiết giảm chi phí đi lại của người vay. Phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy đối với Nhân dân.
“Phủ sóng” 100% xã, phường
Gần 20 năm qua, tín dụng chính sách góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động; trên 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và trên 216 nghìn căn nhà ở cho hộ đồng bào.
Vốn cho vay hộ nghèo DTTS những năm qua chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tại huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào DTTS từng bước quen dần với cơ chế thị trường.
Hiện nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Theo NHCSXH, đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 39,3 triệu đồng, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.
Thành công của tín dụng chính sách xã hội cho đồng bào DTTS trong thời gian qua là sự chung tay, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cùng sự cố gắng nỗ lực của NHCSXH để giúp đồng bào DTTS tự lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác.
Tiếp bước trên chặng đường mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc sớm, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, NHCSXH định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài; đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.