Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí tham gia dự án nhiệt điện
Kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế tạo trong nước
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện (gọi là Ban chỉ đạo liên ngành 1791), đồng thời thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo.
Theo Tổ công tác, với Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, căn cứ vào yêu cầu cụ thể, Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) đã nộp hồ sơ đề xuất tới tổng thầu EPC của dự án là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho 4 hạng mục: Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP); hệ thống thải tro xỉ (AHS); hệ thống cung cấp than (CHS); hệ thống khử lưu huỳnh (FGD). Tuy nhiên, phía LILAMA chưa cam kết cho NARIME làm hạng mục nào.
Ngoài ra, một số đơn vị khác như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON), Công ty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) là các đơn vị được chỉ định tham gia thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ của các nhà máy nhiệt điện theo nội dung Khoản 5b, Điều 1, Quyết định 1791. Nhưng đến nay, các đơn vị này chưa được LILAMA giao nhiệm vụ thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ của dự án.
Ông Hoàng Chí Cường - Tổng giám đốc VINAINCON - cho biết: VINAINCON là một trong những đơn vị được đánh giá cao về nội địa hóa, nhất là nội địa hóa nhà máy xi măng. Đơn vị đã chủ động thiết kế, chế tạo và xây dựng thành công Nhà máy xi măng Sông Thao, với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 70%. VINAINCON rất mong được tham gia vào các dự án nhiệt điện này. Nhưng 3 năm nay, với Dự án Sông Hậu 1, VINAINCON không được tham gia phần việc nào. Trong khi với Quyết định 1791 thì có tới 11 hạng mục được phân công nội địa hóa mà các doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn có thể làm được. Đại diện MIE, EEMC và cả NARIME cũng đồng ý kiến và kiến nghị xem xét lại để các DN được tham gia vào dự án theo đúng tinh thần Quyết định 1791.
Ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí (VAMI) - kiến nghị, cần tạo điều kiện cho các DN cơ khí trong nước vào những dự án nhiệt điện này thì cơ khí Việt Nam mới “lớn” được. Nếu hạng mục nào các đơn vị trong nước làm được thì nên ưu tiên để họ đảm nhiệm, tránh đi thuê nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:
Tổ công tác ngay lập tức triển khai chương trình xem xét đánh giá lại năng lực 11 đơn vị có tên trong Quyết định 1791 để giao việc cho phù hợp. Riêng Dự án Sông Hậu 1, đề nghị DOOSAN là nhà cung cấp thiết bị chính trao đổi với các đơn vị này trên tinh thần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 1791.
Thiết bị chế tạo trong nước: Lo ngại về tiến độ và chất lượng
Trước kiến nghị của VAMI, đại diện LILAMA - đơn vị tổng thầu EPC Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 - cho hay, đây là một trong những dự án thuộc danh mục cấp bách cho dự án điện khu vực phía Nam. LILAMA đã cố gắng để ký kết sớm được tổng thầu EPC dự án này, đồng thời tiến hành lựa chọn các nhà thầu phù hợp. Về gói thầu cung cấp thiết bị chính, LILAMA đã chọn DOOSAN là nhà cung câp; còn các hệ thống phụ trợ, LILAMA sẽ cùng với NARIME, DOOSAN, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty CP dịch vụ ky thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) đảm nhiệm.
Ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - cho rằng, Dự án Sông Hậu 1 nằm trong diện cấp bách nên chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí (PVN) lo ngại một số hạng mục như khử lưu huỳnh, lò hơi, lọc bụi tĩnh điện... nếu để nhà thầu trong nước sẽ bị chậm tiến độ, Vì thế, PVN xin tự chọn nhà thầu và tự chịu trách nhiệm. Nhưng nguyên nhân chính là chủ đầu tư và cả tổng thầu EPC vẫn lo ngại về tiến độ chất lượng của các thiết bị chế tạo trong nước.
Mỹ Bình (nguồn: theo Nguyễn Duyên, baocongthuong.com.vn)